Trước khi đổ ra sông Đồng Nai, con suối này chảy qua các phường Tam Hiệp, Tam Hoà, Bình Đa, Long Bình, An Bình (TP Biên Hòa). Mỗi ngày dòng suối này phải tiếp nhận một lượng rác thải quá khủng khiếp khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi, thối nồng nặc.
Để khắc phục tình trạng trên, cuối năm 2017 UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp cho TP Biên Hòa hơn 36 tỷ đồng để thực hiện dự án nạo vét bùn, đất đá dưới suối, kè bê-tông và trồng cây xanh hai bên bờ suối nhưng đến nay dự án vẫn còn dang dở.
Suối Linh đoạn chảy qua phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ông Huỳnh Tân Lộc, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hoà cho biết: "Vừa rồi cũng nắm được thông tin Báo Pháp luật Việt Nam có phản ánh vấn đề ô nhiễm tại dòng suối Linh. Đối với tình trạng này, thành phố cũng đã chỉ đạo các phường, dọc hai bên từ phường An Bình, Tam Hoà, Bình Đa, Long Bình phải thường xuyên tăng cường để xử lý nghiêm những tình trạng đổ rác hiện nay như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin.
Thứ hai chỉ đạo cho ban quản lý TP Biên Hoà được giao làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để đấu thầu trong quý hai và khởi công, nạo vét suối Linh kè hai bên suối và làm tuyến đường dọc hai bên suối. Một là cải tạo môi trường nạo vét cho sạch sẽ, thông thoáng dòng chảy. Hai tạo cảnh quan dọc hai bên đường đi để tạo điều kiện thuận lợi, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm hành lang dọc suối đồng thời tăng cường công tác bảo vệ những trường hợp vứt rác ở suối Linh này”.
Dòng chảy bị ô nhiễm nặng do rác thải.
Nỗ lực từ cơ quan chức năng là vậy nhưng thực tế, phải nhìn nhận khách quan rằng, ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ dòng suối này mới là vấn đề cốt yếu. Mặc dù nhiều giải pháp được đưa ra nhưng dường như, rác và các chất thải ô nhiễm vẫn tìm đến suối Linh.
"Những năm qua uỷ ban phường cũng có những giải pháp để hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi xuống Suối Linh. Giải pháp thứ nhất:Vận động người dân thực hiện hàng rào lưới B40 dọc hành lang Suối Linh, một phần hạn chế việc vứt rác xuống suối và giải pháp thứ hai lắp đặt camera an ninh giám sát việc vứt rác của người dân 24/24 xuống suối, thứ ba phân công, thành lập tổ tuần tra, chốt chặn các điểm thường xuyên có rác ở dưới suối nhiều”. Bà Đinh Ngọc Khánh Đoan, chủ tịch phường Tam Hoà, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Dự án nạo vét dòng suối.
Bên cạnh những hộ dân thiếu ý thức cố ý vứt rác thải bừa bãi thì, những lò mổ heo lậu xả thải trực tiếp xuống dòng chảy cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm dòng suối, mặc dù thời gian qua chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý tình trạng mổ heo lậu trên địa bàn nhưng vẫn chưa triệt để.
Ông Huỳnh Tân Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà cho biết: "Việc giết mổ heo lậu trên địa bàn hiện nay, cũng giao cho lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra xử ký. Sắp tới Thành phố có một đơn vị là Công ty Việt Ngọc Lâm Bình tại phường Long Bình được tỉnh chấp thuận chủ trương xây lò giết mổ tập trung với quy mô trên héc ta, hiện nay đã hoàn thành khoảng 50%. Hi vọng tới quý hai sẽ hoàn tất, trong 2021 thành phố sẽ xử ký nghiêm tất cả những trường hợp giết mổ lậu trên địa bàn vì đã có khu giết mổ tập trung thì không có lý do gì để tồn tại những điểm giết mổ khác. Thời gian tới việc mổ lậu này sẽ chấm dứt, ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường thì còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Việc bảo vệ suối Linh không chỉ là nỗ lực từ cơ quan chức năng mà cần sự đồng thuận của cả xã hội, nhất là những địa phương có dòng suối này chảy qua. Hi vọng trong thời gian tới người dân sẽ chung tay với chính quyền địa phương cải tạo dòng suối Linh được mệnh danh là dòng suối "chết” sẽ trở thành một dòng suối trong xanh, đáng sống.
Duy Nghĩa – Tuệ Anh/Phapluatplus