Mỗi ngày, các công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO phải chui xuống hố ga của cống thoát nước trên các tuyến đường để thu gom rác thải và bùn đất. Lẫn trong số đó, có rất nhiều loại rác độc hại từ nước thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, hóa chất...
Những xô bùn đặc sệt cùng rác thải sinh hoạt được công nhân múc lên từ dưới hố ga.
Tại một hố ga, trong khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, các công nhân đã móc lên hơn 13 thùng, lẫn trong mớ bùn sình đặc sệt như dầu nhớt là rác thải sinh hoạt, mảnh chai và đủ thứ rác thải không tên.
Bùn sình đặc sệt dầu nhớt chặn hết lối thoát nước trong cống.
Hơn 13 thùng đựng rác đã đầy, lẫn trong mớ bùn sình đặc sệt dầu nhớt là rác thải sinh hoạt, mảnh chai và đủ thứ rác không tên được các công nhân móc lên từ đáy cống.
Dầm mình dưới hố ga đen ngòm, múc từng xô bùn đưa lên cho đồng nghiệp, anh Trần Anh Phong (46 tuổi) chia sẻ: "Dưới hố ga bùn sình, dầu nhớt và đủ thứ rác thải sinh hoạt được người dân và các công ty, nhà xưởng thải ra bốc mùi hôi thối, bít hết đường thoát nước khiến công tác thu gom rất vất vả và cực nhọc. Trung bình một hố ga sau khi được dọn lên tính ra cũng hàng trăm kg rác thải, có những hố ga lượng rác nhiều lên đến hàng tấn”.
Mỗi hố ga đều được công nhân nạo vét, thu gom rác kỹ càng để tránh một nơi chưa được khai thông cả đường ống cống bị nghẽn lại.
Đủ loại rác thải từ hộp nhựa, túi nylon, chai lọ... được vớt lên từ dưới hố ga.
Anh Lê Văn Hưởng, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, cho biết: "Trên tuyến đường này có rất nhiều công ty, nhà xưởng… nên họ thảy dầu nhớt, đất cát xuống hầm ảnh hưởng đến đường nước thoát rất chậm. Do đó, sẽ tùy vào từng vị trí, đơn vị sẽ kiểm tra và ưu tiên xử lý vị trí cục bộ trước để thông suốt mỗi khi xảy ra mưa lớn”.
Công nhân đặt hàng rào cảnh báo và điều tiết giao thông để nạo vét các hố ga dọc tuyến Quốc lộ 1A.
Các công nhân phải ngâm mình dưới cống đầy rác và nước thải đen ngòm từ 2-3 tiếng để vớt rác.
Đồng nghiệp hỗ trợ uống nước.
Theo anh Hưởng, mỗi ngày có khoảng 10-12 công nhân làm việc từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tùy từng thời điểm, nếu thời tiết nắng nóng thì tăng thời gian làm sớm hơn, còn vị trí nào kẹt xe nhiều sẽ làm vào ban đêm để đảm bảo được giao thông. Toàn bộ chất thải sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển về khu xử lý rác Đa Phước để xử lý.
Chia sẻ về nghề, anh Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi, quê Kiên Gang) cho biết: "Tôi mới đi làm được hơn tháng nay, việc thu gom rác thải rất vất vả. Tôi mong người dân đừng xả rác xuống cống thì công việc của chúng tôi đỡ cực hơn".
Dầu nhớt bám đầy người anh Dũng sau khi ngâm mình dưới cống vớt rác.
Trước khi nghỉ ngơi, ăn trưa để lấy sức, các công nhân tắm giặt bên góc đường. "Ngày nào cũng vậy, các anh em phải mang theo hai bộ đồ để mặc. Nghề này nếu không tắm giặt và thay đồ thì ngứa không chịu nổi. Sau khi tắm, mùi hôi trên người phải mất 2-3 ngày mới hết", ông Dũng chia sẻ.
Mạnh Linh
Nguồn Báo Tin tức