Những dòng sông "chết"!
Theo thống kê, TP. Hà Nội có số lượng lớn sông, hồ chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị, tránh úng, ngập cục bộ; đồng thời tạo nên cảnh quan đặc trưng cho Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều con sông chảy qua Thành phố đều bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là sông Nhuệ, sông Lừ, sông Tô Lịch. Tình trạng ô nhiễm kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, nhất là các hộ dân sinh sống gần khu vực sông.
Đoạn cuối sông Tô Lịch, cũng là điểm đầu sông Nhuệ, đoạn cắt qua cầu Tó. Hệ thống chặn rác ở khu vực này khiến rác đọng lại bên trên dòng nước đen ngòm
Sông Tô Lịch có chiều dài 14km chảy qua 6 quận, huyện của Hà Nội (Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì), cùng sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống thoát nước chính của TP. Hà Nội. Ghi nhận tại một đoạn sông chảy qua địa bàn quận Hoàng Mai vào những ngày nắng nóng đầu tháng 5, cảnh tượng dễ thấy là nước sông có màu đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối. Trong khi đó, nước sinh hoạt từ nhiều đường dẫn hòa lẫn với rác thải chưa qua xử lý vẫn tiếp tục được đổ vào sông Tô Lịch. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều thập niên tại sông Tô Lịch - dòng sông mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, tâm linh của Hà Nội và được coi là nét đặc trưng của kinh thành Thăng Long xưa.
Sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã Hiền Giang nhiều năm nay bị ô nhiễm trầm trọng. Nước sông bao trùm bởi màu đen, với mùi hôi thối
Tình trạng ô nhiễm cũng diễn ra tương tự tại sông Nhuệ. Ghi nhận tại khu vực xã Hiền Giang, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), dọc hai bên bờ sông tràn ngập các loại rác thải; nguồn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, làng nghề cũng được xả thẳng ra sông.
Tình trạng ô nhiễm diễn ra đặc biệt nghiêm trọng vào mùa hè hoặc mùa khô, khiến cho nguồn nước sông bốc mùi và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân cũng như cảnh quan, môi trường địa phương.
Là người dân có nhiều thế hệ sinh sống tại làng nghề Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín), chị Trần Thị Mậu, cho biết, trước kia, nước sông Nhuệ được người dân dùng để sinh hoạt và tưới tiêu, nhưng nay, không ai dám dùng nước vì ô nhiễm gây đủ thứ bệnh ngoài da, tưới cây thì cây chết. "Những ngày nắng hanh, gió tây, cộng với mùi hôi thối bốc lên từ nguồn nước ô nhiễm khiến người dân nôn nao, phát ốm. Chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện” - chị Mậu cho biết.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung - Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai, dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng tác động của nguồn nước sông ô nhiễm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. "Ngành y tế quận thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Đối với nơi ở gần sông thì thực hiện các biện pháp ngăn mùi hôi, thối bốc lên từ sông, nhất là vào mùa hè” – ông Trung cho biết.
Thời gian qua, KTNN với vai trò là cơ quan giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát, giúp Chính phủ và các địa phương nâng cao công tác quản lý nhà nước đã và đang đẩy mạnh hoạt động kiểm toán môi trường, trong đó có kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước. Đối với địa bàn Hà Nội, KTNN đã trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ ra và kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước tại các sông, hồ thông qua các cuộc kiểm toán việc đầu tư các công trình xử lý nước thải, công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; công tác quản lý xả thải trên địa bàn thành phố…
Nỗ lực để giảm ô nhiễm nguồn nước
Nhằm nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông nội đô, những năm vừa qua, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều dự án kết hợp với các DN nhằm "hồi sinh” các dòng sông "chết”. Đặc biệt, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã sử dụng hóa chất để xử lý ô nhiễm nước tại các sông, hồ trên địa bàn. Cùng với đó, Thành phố cũng tăng cường nạo vét, khơi thông dòng chảy của sông… với mong muốn hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ để giải quyết tình trạng ô nhiễm đến mức đáng báo động tại đây.
Hiện, Thành phố đang triển khai xây dựng Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với mục tiêu đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về Nhà máy Yên Xá xử lý trước khi đổ ra sông. Dự án được kỳ vọng làm "sống lại” sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ…
Một hệ thống cống gom nước thải bên bờ sông Tô Lịch đang được khởi công
Tại tọa đàm "Tương lai nào cho sông Tô Lịch” diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề gom được nước thải là thách thức lớn nhất hiện nay trong việc làm sạch các dòng sông. Bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính khiến các dòng sông trở nên đen đặc, bốc mùi hôi thối.
Nước sinh hoạt được xả thải trực tiếp ra sông Tô Lịch
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông nhất là sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đã đưa ra những kiến nghị, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông. Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục đẩy nhanh xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn để bảo đảm chất nước nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn; nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… trong việc xả thải, qua đó, xử lý nghiêm đối với các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong đó có hệ thống sông, hồ của Hà Nội hiện nay là vấn đề gây nhức nhối và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan. Để giải quyết tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng; cũng như sự ý thức bảo vệ nguồn nước của chính người dân..., từ đó thắp lên hi vọng "hồi sinh" những dòng sông "chết".
Lê Phúc-Nguyễn Lộc
Nguồn BKTO