Trao tặng hai ''Tủ sách Đặng Thùy Trâm'' cho huyện Tân Yên (Bắc Giang)

  • Cập nhật: Thứ bảy, 20/4/2024 | 8:28:38 Sáng

Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Ngày 19/4, tại Trường THCS xã Cao Xá, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Tổ chức "Trái tim người lính”; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Quỹ Mãi mãi tuổi 20”; Hội đồng họ Đặng TP.Hà Nội tổ chức Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam huyện Tân Yên lần thứ 3 năm 2024 và trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm cho thư viện Trường THCS Cao Xá và Trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung).

Một số tiết mục văn nghệ chào mừng
Tới tham dự buổi lễ, về phía huyện Tân Yên có: Ông Ngô Quốc Hưng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tân Yên; Ông Nguyễn Văn Thiềm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Tân Yên; Ông Lê Văn Úy, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Yên; Lãnh đạo một số Ban, ngành của huyện; Lãnh các xã, Ban Giám hiệu các trường THPT, THCS, TH trên địa bàn huyện Tân Yên, cùng hơn 800 các em học sinh Trường THCS Cao Xá.

Các đại biểu tham dự buổi lễ
Về phía Đại biểu khách mời và đơn vị tổ chức có: Trung tướng, TS. Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội; Nhà báo Nguyễn Quang Hải, Vụ trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc; Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam”, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bà Trần Hồng Dung; Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi 20; Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Đại diện Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tân Yên phát biểu khai mạc buổi lễ
Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm góp phần phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển bản thân và xã hội; kết nối bạn đọc, đồng thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho phát triển sách và văn hóa đọc.

Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tân Yên tặng sách cho Trường THCS xã Cao Xá
Năm nay, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam mang đến 4 thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc”; "Sách quý tặng bạn”; "Tặng sách hay - Mua sách thật”; "Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Chuỗi hoạt động của Ngày sách diễn ra xuyên suốt từ 17/4 đến 1/5/2024 với các sự kiện chính gồm: Lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba; Triển lãm, Hội sách chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba có khoảng 60 đơn vị tham gia, trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc hơn 40.000 đầu sách có giá trị; Triển lãm và Hội sách trực tuyến phục vụ bà con kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; Tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong thanh niên... Ngoài ra, còn có nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu...

Hơn 800 em học sinh trường THCS xã Cao Xá tham dự buổi lễ khai mạc
Lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức vào tối 17/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ trưng bày 4 tủ sách quan trọng. Đó là tủ sách của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tủ sách tuyên truyền về biển, đảo; sách được Giải thưởng Sách Quốc gia; sách về công nghệ và các cuốn sách giá trị khác. Ban tổ chức cũng cho trưng bày, giới thiệu các hoạt động liên quan đến sách điện tử, sách 3D. Vào lễ khai mạc, bộ sách 3D về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ được giới thiệu.

Trước đó, vào tối 17/4, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông tham dự Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024 tại Văn miếu Quốc tử giám
Nhân ngày sách Việt Nam 2024, Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam”,Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã trao đổi và thống nhất với UBND huyện Tân Yên; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Yên chọn Trường THCS Cao Xá và Trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung) để trao tặng 2 Tủ sách Đặng Thùy Trâm, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tài trợ.

Trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm cho thư viện Trường THCS Cao Xá và Trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung)
Tủ sách Đặng Thùy Trâm bắt đầu được khởi xướng từ đầu năm 2023, do Hội đồng họ Đặng Việt Nam phối hợp với Tổ chức "Trái tim người lính"; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20" và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng thực hiện.
Đây là một chương trình mang tính cộng đồng xã hội sâu sắc, góp phần hỗ trợ việc dạy học trong nhà trường; thúc đẩy văn hóa đọc bằng việc đưa trẻ em đến với sách, đến với nguồn tri thức nhân loại.


Phòng thư viện nhà trường THCS Cao Xá được xây dựng khang trang, rộng rãi, rất nhiều đầu sách báo mới 
Tủ sách cũng là hoạt động tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Hòa bình và Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), đồng thời góp phần "Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20", tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội cũng như hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên.

Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam”, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chia sẻ ý nghĩa của Tủ sách Đặng Thùy Trâm
Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng (Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính"), Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam- người khởi xướng chương trình ý nghĩa nêu trên, cho biết: điểm khác biệt của "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" so với nhiều Tủ sách khác là: sách sẽ được bổ sung hàng năm và "Tủ sách" sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc. Trao thưởng cho "Bạn đọc thông minh và sáng tạo"…

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách tại Trường THCS xã Cao Xá
Chương trình phấn đấu trong 3 năm (2023 – 2025) sẽ có ít nhất 15 "Tủ sách Đặng Thùy Trâm"; mỗi Tủ sách trị giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; được trao tặng cho các Trường học, hoặc Bệnh viện, ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Lan tỏa văn hóa đọc
Tủ sách Đặng Thùy Trâm đầu tiên được triển khai tại Trường THCS Kinh Bắc (Bắc Ninh) do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung Đoàn 272 trao tặng cho Trường THCS Kinh Bắc gồm trên 600 cuốn sách của 125 đầu sách, trong đó có cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm và một số cuốn sách hay do Nhà thơ Thanh Thảo trực tiếp lựa chọn, dành tặng các em học sinh.
Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, nhưng trong 6 tháng qua, đã có tới gần 10 "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" được trao tặng cho các địa chỉ cụ thể như sau: Trường THCS Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh); Trường THCS thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang); Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn); Trường Nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần - TP. Thủ Đức; Trường THPT Lý Thường Kiệt - TP. HCM và Trường THCS Đức Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình); Xã Văn Khê (huyện Mê Linh, Hà Nội)...

Tủ sách Đặng Thùy Trâm ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội
Hiện nay, có thêm 02 "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" đã chuẩn bị xong, sắp được trao tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – Nơi người nữ Anh hùng đã hi sinh hơn 50 năm trước. Đó là Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ...
Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Đồng thời tủ sách cũng mang đến cho học sinh có thêm cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách hay, chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa. Tủ sách cũng khuyến khích, tạo sức lan tỏa phong trào đọc sách và tình yêu đọc sách, nâng cao tri thức, góp phần xây dựng văn hóa đọc cho các em học sinh.
Để duy trì tủ sách trong 3 năm phần lớn nguồn sách được xã hội hóa, được các nhà tài trợ, trao tặng. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức và cá nhân trong đó có các cựu chiến binh của Trung đoàn phòng không 272, Quân đoàn 14, Quân khu I, hiện đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn…

Nhà văn Đặng Vương Hưng cũng cho biết thêm: Đối với các trường học, bệnh viện đã có sẵn thư viện, tủ sách đang hoạt động, nếu có nhu cầu bổ sung sách và đề nghị (bằng văn bản) gửi cho Chương trình hoặc qua facebook: Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm".
"Chúng tôi sẽ xem xét và gửi sách tặng miễn phí qua đường bưu điện. Số lượng sách tặng, sẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể từng thời gian. Các nhà văn, tác giả, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm… nếu có sách, hoặc thiết bị thư viện, muốn trao tặng để lan tỏa, có thể thông qua Chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm", chúng tôi sẽ trợ giúp và tạo điều kiện hết mức, trong điều kiện cho phép.", Nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, bà Đặng Kim Trâm – em gái của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết, bản thân bà rất cảm động khi Hội đồng họ Đặng Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và các cơ quan đoàn thể đã làm một việc hết sức ý nghĩa, xây dựng hệ thống tủ sách mang tên chị gái của bà.
"Đã lâu rồi văn hóa đọc sách bị lãng quên, mai một dần, giới trẻ bị đánh mất một thói quen, tình yêu đối với với sách. Với thế hệ của chúng tôi, sách là một món ăn tinh thần không thể thiếu được, nuôi dưỡng tinh thần của thế hệ chúng tôi. Nếu như làm sống lại tình yêu sách, cũng như thói quen đọc sách sẽ đem lại cho lớp trẻ hiện nay một đời sống tinh thần phong phú hơn, sẽ có chiều sâu hơn so với những thông tin nhanh mà các bạn đọc được ở trên mạng xã hội”- bà Đặng Kim Trâm chia sẻ.
--------------------------------------
Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình tri thức ở Huế, lớn lên tại Hà Nội. Tháng 6-1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) Đặng Thùy Trâm bị lính Mỹ tập kích, hy sinh khi chưa tròn 28 tuổi đời.
Cuối tháng 4-2005, hai cuốn sổ tay là tập nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan Mỹ, lưu giữ sau 35 năm trả lại cho gia đình Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Sau đó, vào tháng 7-2005, nhật ký của Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã biên tập thành sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm, do NXB Hội Nhà Văn Việt Nam phát hành và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán.

DIỆP ANH
  •  
Các tin khác

Do mưa lũ diễn biến phức tạp, cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, lực lượng chức năng đang tổ chức phân luồng giao thông.

Ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã làm cho nhiều xã tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang bị ngập sâu, và chia cắt cục bộ.

Bão số 3 quét qua Hà Nội khiến hàng nghìn cây xanh đô thị gãy đổ. Theo chuyên gia, một phần nguyên nhân do những năm qua trên địa bàn TP Hà Nội trồng mới loại cây xanh to (cỡ lớn) đã bị cắt bộ rễ để trồng trên phố, trong khu đô thị.

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...