Tản mạn chữ nước trong tiếng Việt

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/2/2017 | 10:52:55 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn)- Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới, chữ “nước” có cả hai nghĩa như tiếng Việt: nước vừa để chỉ quốc gia (nation), nước vừa để chỉ nguyên tố H2O, kết hợp từ một nguyên tử oxy và hai nguyên tử hydro, để hình thành nguồn tài nguyên nước (water) quý giá cho nguồn sống, hiện diện trong thủy quyển của trái đất.

Trong tinh hoa văn hóa của Việt Nam, nước đã gắn bó trong mạch sống của từng con người. Người Việt dùng các cụm từ “giữ nước” khi chống ngoại xâm phương Bắc và “đi mở nước”, thay vì đi mở đất, khi kéo dài bờ cõi về phương Nam.
 
Một số quốc gia trên thế giới, khi tự gọi tên riêng cho nước họ hoặc dân tộc họ, chữ đất (land) được sử dụng khá nhiều như Thailand, Netherlands (Holland), New Zealand, Swaziland, Deutschland, England, Scotland. Đọc lịch sử Việt Nam, từ thời vua Hùng dựng nước, đất của người Việt chúng ta có tên là Lạc Việt. Chữ “Việt” thì hầu hết mọi người trong chúng ta có thể chấp nhận là chữ chỉ dòng giống dân tộc người Việt. Thế còn chữ “Lạc” là gì? Có nhiều tranh cãi giữa các nhà sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học, khảo cổ học…
Có người cho đó là tên con chim lạc, con chim này được thể hiện trên trống đồng Ngọc Lũ. Hay cắt nghĩa theo sự tích Lạc Hồng, chúng ta là con cháu của Rồng, của Lạc. Vì vậy mới có chuyện bà Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng, nở ra 100 người con: 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển. Chỉ có loài rồng, rắn, chim chóc mới đẻ ra trứng (?!). Người khác cắt nghĩa vị vua đầu tiên của Việt Nam là Lạc Long Quân, nên lấy tên nước là Lạc Việt, có nghĩa là nước Việt của ông vua họ Lạc. Cách cắt nghĩa này xem ra chưa ổn lắm.
 
Thật ra, chữ “lạc” là chữ cổ âm thuần túy của người Việt xưa, có nghĩa là “nước”. Vài ngàn năm trước đây, khi mới hình thành khái niệm quốc gia, người Việt sống tập trung ở vùng biên giới phía Bắc, ngôn ngữ thời ấy chắc chắn phải có gốc tích gần với ngôn ngữ các dân tộc trong khu vực này. Người dân tộc (người Mường, Mạ, Đạ, Koho…) ở vùng này gọi “nước” là “nác” hoặc “đák”. Đây là một sự biến đổi âm từ. N biến thành l và a, á, à, ạ… biến thành ươ, ướ, ườ, ượ… Chữ k và c thì cách phát âm giống nhau.
 
Kết quả “nác” thành “nước”. Dẫn chứng lập luận này có cơ sở của nó: ở nhiều vùng phía Bắc gần biển như Hải Phòng, Hải Dương… người dân vẫn đọc, nói chữ n thành l, ví dụ “Hà Nội” thành “Hà Lội”, “lòng lợn luộc” thành “nòng nợn nuộc”… Chữ a biến đổi thành chữ ươ cũng khá nhiều, như tràng giang = trường giang; an khang = an khương; đang chức = đương chức; lên đàng = lên đường; một lạng vàng = một lượng vàng… Chữ k (kờ) có cách đọc như chữ c (cờ) như Bắc Kạn = Bắc Cạn; kách mệnh = cách mệnh, cách mạng…
 
Tiếng Lào, tiếng Thái, chữ “nảm” có nghĩa là nước. Tiếng nhiều người dân tộc phía Bắc và Tây Nguyên, “đák” cũng để chỉ nơi có chứa nước. Nhiều địa danh được ghép với chữ đák như ĐakLak, hồ Lak… Đến đây thì chữ “nác” đã thành “lak”. Với sự cắt nghĩa như vậy, tên nước Lạc Việt là “Nước Việt”. Ngoài ra, tiếng Việt cổ còn những từ như: lạc điền = ruộng nước, lạc thôn = làng nước…
 
Đàn chim bay quanh mặt trời trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, mà ta hay quen gọi là đàn chim Lạc, có thể hiểu thành đó là đàn chim nước được không? Lưu ý rằng, người Việt chúng ta xưa nay vẫn có tập quán sinh sống, di chuyển và sản xuất theo các vùng có tập trung nước như sông suối, ao hồ, ruộng nước. Tổ tiên ta quen nhìn thấy đàn chim nước bay theo từng đàn nên đã thể hiện trên cái trống đồng của mình chăng?
 
Tiếng Việt của chúng ta rất phong phú, đa dạng, và đa nghĩa… Lật các từ điển tiếng Việt, có thể đếm trên 100 chữ đi kèm với chữ quốc (nước). Quốc gia là tiếng Hán Việt, có nghĩa là nước nhà (quốc = nước, gia = nhà). Quốc ngoại là nước ngoài; quốc nội là trong nước; quốc sự là việc nước; quốc hội là tổ chức nhà nước, là nơi để họp bàn chuyện đất nước. Cứ như vậy, chúng ta sẽ hiểu thêm nghĩa của các chữ đi kèm chữ quốc.
 
Người Việt dùng các cụm từ “giữ nước” khi chống ngoại xâm phương Bắc và “đi mở nước”, thay vì đi mở đất, khi kéo dài bờ cõi về phương Nam.
 
Nước liên quan đến nhiều ngành nghề. Trong tiếng Hán Việt, nước là “thủy”. Thủy còn có nghĩa là căn nguyên (nguyên thủy, thủy căn, thủy tổ…), như một sự công nhận nước là nguồn gốc ban đầu. Thủy là một trong năm ngũ hành (kim, thủy, hỏa, mộc và thổ), theo quan niệm âm dương, lý số, nguồn tự nhiên và các mối quan hệ của nó. Nước đứng đầu trong bốn tai họa cho xã hội “thủy – hỏa – đạo – tặc”.
 
Thủy học là môn học chuyên nghiên cứu về nước, thủy văn là sự ghi chép về nước. Môn này là môn đồng hành với môn thủy lực, nghiên cứu các quy luật và phép tính liên quan đến sự đứng yên hoặc chuyển động của khối nước. Thiết bị thường dùng là thủy lượng kế, dụng cụ đo nước tại các thủy trực. Người kỹ sư thủy lợi tham gia vẽ các thiết kế và xây dựng công trình thủy (gọi tắt là thủy công) như công trình thủy nông, thủy điện, thủy cảng, cấp thủy, giao thông thủy (thủy lộ)…
 
Trong sản xuất, thủy sản là ngành chuyên nghiên cứu các loại cá tôm, thủy thực vật khác nhau; môn học cần phải có cho ngành là thủy sinh, nghiên cứu các sinh vật trong nước. Ngành thủy lâm học lại chuyên về các loại rừng ngập nước. Trồng trọt không cần đất, chỉ sử dụng nước như là môi trường cung cấp dưỡng chất cho cây gọi là thủy canh.
 
Trong y học, có phương thức trị liệu bằng nước gọi là thủy liệu pháp. Bệnh thủy đậu tạo các mụn bọc nước gây mất thẩm mỹ trên mặt người bệnh. Phương Tây đang phát triển phương pháp giúp cho bà mẹ sinh dưới nước, phương pháp này khá mới ở nước ta, có người đề nghị dùng chữ thủy hộ sản (?).
Trong nghệ thuật, tranh thủy mặc được nhiều người yêu thích do có nét vẽ phóng khoáng, mô tả sông nước, núi non, cây cỏ, chim thú, con người. Một số họa sĩ lại thích vẽ tranh màu nước. Trong kiến trúc xây dựng, môn phong thủy đã và đang được chú ý trong việc vận dụng hài hòa thế nước và khí hòa hợp, đón lành tránh dữ. Ở Việt Nam, nhiều người đặt tên con gái với tên ghép chữ “Thủy”.
 
Người làm nghề đánh bắt thủy sản, theo các con tàu lênh đênh trên sông biển, gọi là thủy thủ. Các thủy thủ cần phải biết cách đọc thủy đồ. Ghi lại hành trình cho các tàu thủy gọi là nhật ký thủy trình, hải trình. Nếu chẳng may, bị rủi ro qua đời trên biển, các thủy thủ có nghi thức thủy táng: thả thi hài người chết xuống biển. Quân đội chiến đấu trong vùng nước gọi là thủy binh hay thủy quân, thủy quân lục chiến, được tổ chức theo từng thủy đội, tàu thủy còn gọi là thủy xa, có gắn thủy lôi. Người đứng đầu thủy quân thường là một vị thủy sư đô đốc.
 
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều trận thủy chiến oai hùng trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo vương đại thắng quân Nguyên Mông nhờ ứng dụng quy luật thủy triều. Các đội binh xâm lược phương Bắc và phương Tây gặp khó khăn khi thống trị nước ta do không hợp thủy thổ. Bọn trộm cướp vùng sông nước gọi là thủy tặc. Thiên tai liên quan đến nước gọi là thủy tai, thủy họa. Ngày xưa, người dân Việt làm nghề sông nước thường có lệ cúng vái thủy thần, thủy tề mong tránh được các loài thủy quái, thủy vương dưới nước.
 
Vùng châu thổ sông Cửu Long, để gọi đặc điểm của dòng nước, người dân có các tên gọi: nước lớn, nước ròng, nước rong, nước cường, nước kém, nước nổi, nước lụt, nước trầm, nước bạc, nước son, nước đục, nước nhảy, nước tràn, nước chụp, nước đứng, nước ngược, nước xuôi, giáp nước, nhồi nước, xiết nước, rải nước… Về nguồn cung cấp và chất lượng nước thì có những từ: nước trời, nước mưa, nước sông, nước cây, nước ngầm, nước lung, nước đìa, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước phèn, nước bùn…
 
Nếu dùng từ dân dã, từ nước đôi khi được sử dụng để mô tả trạng thái, tính cách trong hành xử, như người đang trên đà thắng thế thì dùng từ “lên nước”, thất thế phải dịu giọng thì là “xuống nước”, không còn gì để nói, để bàn nữa thì gọi là “hết nước”, tiêu đến hết tiền thì gọi là “khô nước”, ở vùng ven biển nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt phải mua từ nơi khác chở đến thì người dân tế nhị dùng từ “đổi nước” thay vì “bán… nước”. Người phụ nữ lo chuyện bếp núc thì lại dùng chữ bận việc “cơm nước”. Đầu năm chúc tài lộc dồi dào thì có câu chúc “tiền vô như nước…”.
 
Vâng, tiếng Việt chúng ta còn nhiều chữ dính đến từ “nước” lắm…

Tác giả bài viết: Lê Anh Tuấn

Nguồn tin: vfpress.vn

  •  
Các tin khác

Việc điều tiết nước đã giúp phục hồi điều kiện tự nhiên vốn có của Tràm Chim trong mùa khô. Không chỉ những loài hiếm gặp, nhiều loài chim khác đã gia tăng số lượng ngoài dự đoán.

Ngày 15/5 tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã có buổi làm việc quan trọng với ông Frank Rijsberman - Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) cùng đoàn công tác.

Nông dân tại “thủ phủ” chanh 11.000ha ở Long An mùa này như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 600ha vườn chết khô, hàng ngàn hécta còn lại cũng đang trong tình trạng “hấp hối”.

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,...