Cuối thế kỷ 21, 17% diện tích Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/3/2020 | 9:20:05 Sáng

Đây là nhận định được Bộ NN&PTNT đưa ra xung quanh những thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam hiện nay.

 
Một vùng dân cư ngoại thành Hà Nội bị ngập trong trận lũ năm 2018. Ảnh: Toàn Vũ.

Theo đánh giá, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, địa hình rất đa dạng với trên 3.000km bờ biển, 3/4 diện tích lãnh thổ là đồi núi, cùng với hệ thống sông, suối, kênh ngòi dày đặc…

Những năm gần đây, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, với sự xuất hiện của 20/21 loại hình trên phạm vi cả nước (trừ sóng thần) và có xu thế gia tăng cả về tần suất, phạm vi cũng như mức độ nguy hiểm.

Đặc biệt, trong đó phải nhắc tới các trận thiên tai lớn làm gia tăng nguy cơ rủi ro đối với con người, tài sản và các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương (người nghèo, người có thu nhập thấp,…), các khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của thiên tai (khu vực thấp trũng ven sông, suối, ven biển; khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt, sườn đồi, núi,…).

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, vào giữa thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc tăng phổ biến ở mức từ 1,3 - 2,3 độ C, trong đó khu vực phía Bắc tăng từ 1,6 - 2,3 độ C, khu vực phía Nam tăng từ 1,3 - 1,9 độ C. Lượng mưa năm có xu thế tăng ở hầu hết các vùng trên cả nước. Mức tăng phổ biến từ 3÷15%, trong đó lượng mưa mùa mưa tăng, lượng mưa mùa khô giảm.

Sự gia tăng của nhiệt độ và lượng mưa sẽ làm diễn biến thiên tai nói chung và lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng ngày càng cực đoan và có xu thế ngày càng lớn hơn. Cùng với đó là mực nước biển dâng cao sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng đến vùng cửa sông, ven biển.

Cụ thể, theo dự báo vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm 39% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 17% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và gần 20% diện tích TP Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Đây là những thách thức to lớn trong công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới.
 
Theo Kinh tế đô thị
  •  
Các tin khác

Việc điều tiết nước đã giúp phục hồi điều kiện tự nhiên vốn có của Tràm Chim trong mùa khô. Không chỉ những loài hiếm gặp, nhiều loài chim khác đã gia tăng số lượng ngoài dự đoán.

Ngày 15/5 tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã có buổi làm việc quan trọng với ông Frank Rijsberman - Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) cùng đoàn công tác.

Nông dân tại “thủ phủ” chanh 11.000ha ở Long An mùa này như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 600ha vườn chết khô, hàng ngàn hécta còn lại cũng đang trong tình trạng “hấp hối”.

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,...