Cắt, sửa cây làm đẹp thành phố

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/11/2023 | 8:34:21 Sáng

Cây xanh là một thành phần không thể thiếu được trong đô thị. Không chỉ là “lá phổi xanh” cho thành phố. Cây xanh đô thị còn “tạo dáng” làm tăng thêm vẻ đẹp cho sự hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống, làm cho đô thị ngày càng đẹp hơn. Những người cắt, sửa cây xanh đô thị đã đóng góp một phần công sức của mình tạo nên vẻ đẹp đó.

Hiện nay đang là thời điểm quý IV, Xí nghiệp quản lý cắt, sửa cây xanh (Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội) huy động gần như toàn bộ lực lượng (120 cán bộ, công nhân viên) để thực hiện cắt sửa cây bóng mát trên các tuyến phố; chặt hạ cây sâu mục, chết khô, nguy hiểm theo đơn, thư, công văn của người dân; giải toả cây đổ, cành gãy do mưa, giông, bão trên địa bàn Thành phố:

Gồm 7 quận nội thành và các tuyến trục đường xuyên tâm như: Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn – Phúc La - Văn Phú, đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên (địa phận Hà Nội). Để thực hiện trên địa bàn rộng như vậy, Xí nghiệp huy động cả 10 tổ sản xuất để thực hiện. Mỗi tổ có từ 2 đến 3 cưa máy. Toàn Xí nghiệp có 15 xe có thể nâng người lên làm việc ở độ cao từ 12 đến 32m, hai xe cẩu tự hành 10 tấn, hai xe cẩu tự hành 3,5 tấn, một xe cẩu tự hành 5 tấn, hai xe ben tự đổ 5 tấn, 1 xe ép rác và một xe tưới rửa đường.


Việc cắt, sửa cây trong thành phố là việc làm cần thiết và quá trình thực hiện tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật do Thành phố ban hành. 

Trước đây khi chưa có trang thiết bị hiện đại hỗ trợ, mỗi năm Xí nghiệp chỉ có thể cắt, sửa vài nghìn cây. Đến thời điểm hiện nay, hàng năm đều thực hiện tăng lên 40.000 cây/năm (tăng gấp hơn 10 lần so với trước đây).

Điều đáng mừng là trong nhiều năm trở lại đây, Xí nghiệp không có trường hợp nào bị tai nạn lao động trong quá trình cắt, sửa cây. Việc cắt, sửa cây trong thành phố khi dòng người và phương tiện giao thông vẫn di chuyển bên dưới, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và rủi ro. Đặc biệt, với hệ thống hạ tầng của Thành phố, cây bóng mát thường phát triển sát mái nhà, cửa kính, dây cáp thông tin… Do vậy, trong quá trình triển khai công tác cắt sửa, chặt hạ cây tại hiện trường, không tránh khỏi một số trường hợp bất khả kháng, cành khô rơi xuống làm thủng mái nhà dân, làm đứt dây cáp thông tin, tổ cắt, sửa phải tự bỏ kinh phí đền bù. Nhiều người dân phản ánh: "Cây cũng như người, sao các anh cắt đau thế?”. Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Xí nghiệp cho biết: 

"Việc cắt, sửa cây trong thành phố là việc làm cần thiết và quá trình thực hiện tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật do Thành phố ban hành. Việc cắt sửa đảm bảo nguyên tắc: Loại bỏ những cành lá thấp cản trở tầm nhìn trên đường, đèn tín hiệu và biển báo giao thông hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống điện hạ thế, chiếu sáng; Việc cắt tỉa này phải được xác định kỹ các cành nên cắt, các cành bớt lại và cắt định hướng tán phát triển theo yêu cầu; Cắt tỉa làm thưa tán, định hình tán, tạo tán: Loại bỏ bớt tán lá, giảm sự cản trở của gió xuyên qua trong mùa mưa bão; đồng thời cắt các cành nhỏ giúp tán phát triển cân đối, không bị đan xen vào nhau để cây tập trung nuôi dưỡng các cành chính tạo tán cây phát triển theo mong muốn; Cắt tỉa làm thấp tán, hạ độ cao: cắt hạ ngọn cây do các cành mọc vươn phát triển quá cao, mất cân đối hoặc ảnh hưởng các công trình trên không, mái nhà dân; cắt tỉa ngọn cây để hạ thấp trọng tâm tạo độ vững chắc hơn trong gió bão; Cắt các cành khô, chết, dễ gẫy để không gây nguy hiểm cho người và tài sản, gỡ bỏ các loại cây sống ký sinh trên cây chủ (dây tơ hồng, tầm gửi, đa, đề, sanh, si...) (nếu có) để tăng tuổi thọ của cây, hạn chế lây lan sang cây khác và các cây leo bám vào cây.


Việc cắt tỉa cây xanh được các công nhân tiến hành trên nhiều tuyến phố trong nội thành.

Chúng tôi không thực hiện việc cắt sửa vào ban đêm như đề nghị của một số người dân (trừ một số tuyến phố đặc biệt không thể thi công vào ban ngày ) vì khi thi công, tiếng máy cưa, xe nâng sẽ gây tiếng động lớn, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, dễ gây tai nạn lao động. Để tránh tình trạng gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, chúng tôi bố trí làm sớn hoặc sau giờ cao điểm. Chúng tôi cũng không mang máy nghiền cành cây ra ngoài hiện trường vì máy đỗ dưới lòng đường sẽ gây cản trở giao thông, bên cạnh đó tiếng động và bụi, ảnh hưởng tới môi trường”.  

Có ý kiến cho rằng vì sao cây đã được cắt, sửa nhưng vẫn bị nghiêng đổ khi có bão về. Không thể bảo đảm chắc chắn rằng cây sau khi được cắt sửa sẽ không bị đổ mà việc làm của chúng tôi là hạn chế tối đa cây bị nghiêng đổ khi có gió mạnh hay bão về. Nhiều cây bị nghiêng, đổ là do trong quá trình thi công hạ tầng bên dưới nhiều đơn vị đã cắt rễ cây để tiện cho việc thi công như công tác cải tạo, chỉnh trang vỉa hè; lắp đặt dây điện, đường ống nước dẫn đến cây bị đổ do không bám chắc được vào lòng đất. Ngoài ra, do ảnh hưởng đặc điểm đường phố Hà nội, các tuyến phố thường nhỏ, hẹp; Phía trên thường vướng mái nhà, mái hiên, mái vẩy; Phía dưới vướng dây điện, điện thoại, cột đèn chiếu sáng, cột điện nên cây bóng mát thường có xu hướng nghiêng ra ngoài đường, sẽ dễ gãy đổ khi gặp các điều kiện thời tiết cực đoan.

Hiện nay, Xí nghiệp đang gặp nhiều khó khăn: Nhà cửa, phương tiện đông đúc; Nhiều người dân chưa hiểu về việc cần thiết phải cắt sửa để đảm bảo an toàn nên có tình trạng phản đối, đe doạ khi đơn vị thực hiện tại hiện trường. Bên cạnh đó, định mức cho công tác cắt sửa, chặt hạ cây, giải toả cây đổ, cành gãy quá thấp ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động.

Đề nghị người dân ủng hộ chủ trương, phương án cắt tỉa, chặt hạ cây của Công ty để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Rất mong các cấp có liên quan của Thành phố Hà Nội quan tâm, có cơ chế, định mức  phù hợp để giảm bớt nặng nhọc và khó khăn cho người công nhân, cải thiện đời sống, tạo điều kiện để người công nhân yên tâm với công việc đem ý nghĩa cắt sửa cây làm đẹp Thành phố”. 

LAM VY 

  •  
Các tin khác

Việc điều tiết nước đã giúp phục hồi điều kiện tự nhiên vốn có của Tràm Chim trong mùa khô. Không chỉ những loài hiếm gặp, nhiều loài chim khác đã gia tăng số lượng ngoài dự đoán.

Ngày 15/5 tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã có buổi làm việc quan trọng với ông Frank Rijsberman - Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) cùng đoàn công tác.

Nông dân tại “thủ phủ” chanh 11.000ha ở Long An mùa này như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 600ha vườn chết khô, hàng ngàn hécta còn lại cũng đang trong tình trạng “hấp hối”.

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,...