Hải Phòng: Tạm ngừng cấp phép khai thác nước ngầm

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/1/2018 | 2:59:05 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- UBND thành phố Hải Phòng vừa quyết định hạn chế cấp phép thăm dò khai thác nước ngầm; đồng thời dừng việc cấp phép khai thác nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới để giảm thiểu nhiễm mặn các tầng đất ngầm chứa nước và bảo vệ dự trữ nguồn nước.

Ảnh minh họa. ITN

Quyết định này nhằm bảo vệ, khai thác phù hợp nguồn nước ngầm,  đặc biệt trong điều kiện nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố có dấu hiệu ô nhiễm, suy giảm chất lượng.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hải Phòng, hiện nay, chất lượng nước ngầm tại một số vị trí có dấu hiệu ô nhiễm về vi sinh với nồng độ coliform, ecoli vượt ngưỡng cho phép. Nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện Tiên Lãng có mức độ ô nhiễm nhiều nhất, với nồng độ chất hữu cơ, kim loại khá cao. Tại huyện Cát Hải, nước có dấu hiệu ô nhiễm về vật lý; Nước ngầm tại quận Đồ Sơn có dấu hiệu ô nhiễm về dinh dưỡng. Tại quận Kiến An, quan trắc 2 vị trí nước ngầm, có một vị trí có nồng độ coliform vượt quy chuẩn cho phép.

Để bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ngầm khu vực ven biển Hải Phòng, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị thành phố Hải Phòng hạn chế sử dụng các công trình khai thác nước đơn lẻ, ưu tiên khai thác nước tập trung. Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Phạm Văn Thao,  để giảm thiểu nhiễm mặn nước ngầm, thành phố có quyết định dừng việc cấp phép khai thác nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới. Đối với những khu dân cư có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, hộ gia đình không được cấp phép khai thác nước ngầm.

Sở TN&MT cũng khuyến cáo cần áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cả trong khâu khai thác và kiểm soát nước dưới đất. Đối với các tầng chứa nước có triển vọng, nên ưu tiên khai thác quy mô tập trung bằng các giếng khoan công nghiệp. Khu vực dọc cửa sông, ven biển, phần diện tích của các tầng chứa nước bị nhiễm mặn hoặc tầng chứa nước mỏng không có khả năng cấp nước, không nên bố trí các công trình khai thác nước tại đây nhằm bảo vệ các tầng chứa nước lân cận và ngăn mặn. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiếp tục điều tra nguồn nước ngầm và thành lập bản đồ địa chất, thủy văn (tỷ lệ 1:50.000 -1:10.000), trên cơ sở đó hoạch định kế hoạch khai thác nước hợp lý.

Theo dwrm.gov.vn

  •  
Các tin khác

Chiều 19/4, HĐND TP.Hội An (khóa XII) tổ chức Kỳ họp thứ 11 nhằm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch năm 2024 và điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn...

Trong bối cảnh tình hình môi trường đang ngày càng trở nên căng thẳng, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cấp bách cho các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây được coi là cơ sở quan trọng giúp các địa phương quản lý chất thải một cách hiệu quả và bền vững.