Dự thảo Luật Cấp, thoát nước có nguy cơ chồng chéo với một số luật khác

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/9/2023 | 11:01:17 Sáng

Thực trạng thoát nước và xử lý nước thải, chia theo khu vực đô thị, nông thôn; tình trạng úng ngập tại các đô thị ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; thực trạng đầu tư các công trình thoát nước, xử lý nước thải…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. TL

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Cấp, Thoát nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về: chiến lược phát triển, quy hoạch cấp, thoát nước; điều kiện kinh doanh cấp nước; lựa chọn đơn vị cấp thoát nướcđầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình cấp, thoát nước; quản lý dịch vụ cấp, thoát nước; quản lý tài chính, giá dịch vụ cấp, thoát nước… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết ban hành Luật Cấp, thoát nước. Phần Cơ sở thực tiễn mới chỉ tập trung đề cập đến việc ban hành và thực thi pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật một số nước trên thế giới về cấp nước và thoát nước mà chưa nói nhiều đến các vấn đề thực tiễn của việc cấp nước sạch và thoát nước tại Việt Nam hiện nay.

Để làm rõ hơn sự cần thiết ban hành Luật Cấp, thoát nước, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Tờ trình nhằm thể hiện được thực trạng tiếp cận nước sạch của người dân và doanh nghiệp, chia theo các khu vực đô thị, nông thôn; chất lượng, độ sẵn có, tính ổn định của việc tiếp cận nước sạch; tình trạng mất nước, thất thoát nước, nước không đáp ứng chất lượng an toàn thời gian qua; giá nước sạch…

Thực trạng thoát nước và xử lý nước thải, chia theo khu vực đô thị, nông thôn; tình trạng úng ngập tại các đô thị ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp; thực trạng đầu tư các công trình thoát nước, xử lý nước thải…

 

Các thông tin này sẽ là cơ sở đầu vào để cơ quan có thẩm quyền quyết định liệu có cần thiết ban hành Luật Cấp thoát nước hay không.

Về phạm vi điều chỉnh và nguy cơ chồng chéo, xung đột pháp luật, VCCI cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật này chưa rõ ràng và có nguy cơ chồng chéo với một số luật khác. Ví dụ về các vấn đề về khai thác nước tự nhiên (nước mặt, nước ngầm, nước mưa) để phục vụ cho các công trình cấp nước sạch có nguy cơ chồng chéo với Luật Tài nguyên nước; các vấn đề về cấp nước, thoát nước khu vực nông thôn có nguy cơ chồng chéo với Luật Thuỷ lợi; các vấn đề về thu gom và xử lý nước thải có nguy cơ chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc xử lý chồng chéo giữa các đạo luật, theo một trong hai phương án.

 

Phương án 1 là thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật này để tránh chồng chéo với các luật trên. Có thể cân nhắc phương án Luật này chỉ điều chỉnh vấn đề sản xuất và cung cấp nước sạch; thoát nước khu vực đô thị.

Phương án 2 là bổ sung thêm điều khoản vào cuối Luật này để sửa đổi các luật khác, nhằm bảo đảm không còn chồng chéo.

Bố cục của Luật, hiện nay, bố cục của Luật đang được thiết kế theo phương pháp trộn lẫn giữa các quy định về cấp nước và thoát nước. VCCI nhận thấy, mặc dù cấp nước và thoát nước đô thị có nhiều điểm chung như đều là hạ tầng xây dựng phục vụ dân sinh nhưng hai lĩnh vực này có nhiều điểm riêng rất khác nhau.

 

Ví dụ, cấp nước cần bảo đảm khả năng tiếp cận nước sạch ổn định, an toàn với chi phí hợp lý; trong khi đó thoát nước lại cần bảo đảm chống úng ngập và ô nhiễm. Cấp nước là dịch vụ có thể mang lại lợi nhuận nhưng mang đặc tính độc quyền tự nhiên; trong khi đó, thoát nước lại khó có thể mang lại lợi nhuận. Do đó, vai trò và biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hai thị trường này rất khác nhau.

Nếu bố cục của Luật theo hướng trộn lẫn giữa cấp nước và thoát nước thì có nguy cơ dẫn đến các quy định phù hợp với lĩnh vực này, nhưng không phù hợp với lĩnh vực kia, gây khó khăn cho việc thực hiện sau này. Do đó, để thuận tiện cho việc thiết kế các quy định pháp luật mạch lạc, phù hợp với đối tượng tác động và đạt được các mục tiêu chính sách khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh bố cục của Luật theo hướng tách riêng các nội dung về cấp nước và thoát nước…


Luật Đồng



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Chiều 19/4, HĐND TP.Hội An (khóa XII) tổ chức Kỳ họp thứ 11 nhằm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch năm 2024 và điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn...

Trong bối cảnh tình hình môi trường đang ngày càng trở nên căng thẳng, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cấp bách cho các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây được coi là cơ sở quan trọng giúp các địa phương quản lý chất thải một cách hiệu quả và bền vững.