Tìm nguyên nhân nước sạch 'vàng khè', có giun ở KĐT Pháp Vân-Tứ Hiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/10/2021 | 11:21:08 Sáng

Đại diện UBND phường Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết đang phối hợp với cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, ban quản trị các toà nhà tìm nguyên nhân nước vàng khè tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Theo UBND phường Hoàng Liệt, sau khi xảy ra sự việc người dân phản ánh về chất lượng nước đơn vị này đã yêu cầu công ty cung cấp nước sinh hoạt báo cáo cụ thể vụ việc.
"Ngoài yêu cầu báo cáo nội dung người dân phản ánh thì phường cũng vừa yêu cầu công ty theo dõi, báo cáo hệ thống đường ống. Đặc biệt là giữa tháng 9 vừa qua 2 lần xảy ra vỡ đường ống dẫn nước trước khi đến các toà nhà. Bể nước tại các chung cư cũng đang được thau rửa lại để theo dõi, đánh giá chất lượng", UBND phường Hoàng Liệt cho biết.
UBND phường Hoàng Liệt cho biết thêm: "Thứ 2 tuần tới phường sẽ chủ trì cuộc họp có đại diện ban quản trị các toà nhà, tổ dân phố, công ty cung cấp nước để làm rõ nguyên nhân. Trước mắt công ty phải có trách nhiệm với cư dân sớm tìm ra nguyên nhân chất lượng nước như đã phản ánh".
tim-nguyen-nhan-nuoc-sach-vang-khe-co-giun-o-kdt-phap-van-tu-hiep-1
Trạm xử lý nước sạch tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp trước khi đưa đến các bể chứa nước toà nhà chung cư 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Hưng - phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị - cho rằng đến thời điểm hiện tại nước được xí nghiệp 1 thuộc đơn vị này cung cấp tới các toà nhà chung cư vẫn "đạt chất lượng yêu cầu".
"Công ty cung cấp nước 15 toà nhà chung cư tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp trên 15 năm nay. Kết quả xét nghiệm cho thấy nước tại trạm và mạng lưới của công ty 100% là đạt, một số mẫu nước tại vòi ở các căn hộ chất lượng nước còn chưa đạt" - ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm: "Chúng tôi khẳng định từ trạm đến mạng lưới, đầu vào của các bể ngầm tại các chung cư đều đạt theo tiêu chuẩn. Các đợt nội kiểm và ngoại kiểm của công ty theo quy định của Bộ Y tế, chất lượng đánh giá không phải của công ty tự mang đi mà còn có cơ quan chuyên môn của quận, thành phố chứng kiến, giám sát".
"Nước tại vòi ở các căn hộ còn bẩn thì chỉ có trong hệ thống của toà nhà, hệ thống này chủ sở hữu là cư dân, đại diện là ban quản trị nên công ty không có quyền được tham gia vào việc sửa chữa, tác động đến đường ống này" - ông Hưng nói.
Tuy nhiên anh Lê Hữu Minh - căn hộ 802, tòa nhà Nơ19 - cho rằng: "Hiện tại cư dân chúng tôi không có phản ánh chất lượng nước tại trạm mà chỉ tập trung phản ánh chất lượng nước khi đến trước các toà nhà chung cư.
Sau sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ trạm đến chung cư thì nước tại vòi xuất hiện màu vàng khè, đen đục và còn có cả giun đất như hình ảnh người dân đã ghi lại.
Theo tôi muốn sớm tìm ra được nguyên nhân nước sạch có màu vàng khè do đâu thì công ty cấp nước phải kiểm tra lại hệ thống đường ống truyền dẫn vì hệ thống này theo tôi biết cũng cũ, vận hành đã 15 năm nay rồi".
Trưởng ban quản trị tòa nhà Nơ20 Trịnh Quang Hòa cho biết: "Nước sạch là vấn đề cấp thiết bởi vậy nên cư dân không thể chờ thêm được nữa. Về nguyên tắc cư dân mua nước sạch thì phải được dùng nước sạch.
Để xác định nguyên nhân do đâu dẫn đến chất lượng nước như thời gian qua theo tôi cần kiểm tra đường ống chuyển nước từ trạm đến các toà nhà chung cư bởi sau khi được khuyến cáo cư dân đã xả bể, thau rửa nhưng nước có thời điểm vẫn còn rất vàng.
Chúng tôi không dám sử dụng để sinh hoạt và cư dân tại nhiều toà nhà hàng ngày vẫn đang phải mua nước bình".
Được biết ngày 8-10 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng đã cử cán bộ đến lấy mẫu để đánh giá chất lượng nước sạch ở khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp./.

Quang Thế
Nguồn Tuổi trẻ
  •  
Các tin khác

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.