Đi làm về không dám ôm vợ

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/4/2022 | 4:21:39 Chiều

“Đi làm về không dám ôm vợ” là lời chia sẻ hài hước mà đáng suy ngẫm của anh Ngô Văn Luyện. Câu chuyện của anh phần nào giúp cho chúng ta có cái nhìn bao quát về công việc vệ sinh môi trường đầy vất vả.

Trong nhịp sống hối hả của phố thị, luôn tồn tại một lực lượng rất quan trọng, không thể thiếu họ nhưng hầu như ít được mọi người biết đến hoặc nhắc đến - những nhân viên vệ sinh môi trường.

Tình trạng rác thải ùn ứ, chất đống trên đường đi, khắp các con ngõ; rác gây tắc nghẽn đường ống nước. Câu chuyện về nhân viên môi trường dưới đây, phần nào giúp cho chúng ta có cái nhìn bao quát về công việc vất vả này. Đó là anh Ngô Văn Luyện và chị Nguyễn Thị Bắc ở phường Trần Phú, Thành phố Bắc Giang.

Anh Ngô Văn Luyện chia sẻ với phóng viên.
"Đi làm về không dám ôm vợ” là lời chia sẻ hài hước mà đầy xúc động thâm tình của anh Ngô Văn Luyện, đang làm việc trong Công ty Cổ phần Quản lí công trình Đô thị Bắc Giang. Với 13 năm gắn với cái tên "công nhân thoát nước” khi hàng ngày phải tiếp xúc với các loại rác thải, hoá chất công nghiệp do những người vô ý thức xả thẳng xuống cống, người đầy mùi hôi thối, nhiều khi đi làm về bản thân cũng thấy sợ chứ nói gì những người xung quanh.
Bụi bặm, mùi nước thải sinh hoạt từ khu dân cư thải ra ám lên quần áo, lên người nhưng anh vẫn cần mẫn, chịu khó trong công việc. Anh cho rằng, yêu thích công việc, gắn bó lâu dần cũng quen, giúp cho môi trường không chỉ trên mặt đất mà còn dưới đường ống được sạch hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Anh dầm mình trong nước thải dưới lòng cống, cào vớt bất cứ thứ rác thải gì mà do sự hữu ý hay vô ý của con người, hoặc do nước mưa tự nhiên đẩy vào trong cống.
Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, anh Luyện và các công nhân bắt đầu công việc của mình. Nắp cống được mở ra là một mùi hôi thối xộc thẳng lên mũi, đường xuống chỉ vừa một người nên mọi hành động bước xuống và đứng dưới đó cần hết sức cẩn thận. Vấn đề sức khoẻ, những rủi ro khi gặp phải đã khiến anh nhiều khi muốn từ bỏ công việc.

Anh Luyện đang làm công việc mà không phải ai cũng dám làm.
Năm nay anh Luyện đã 48 tuổi, với hơn mười năm làm công việc nạo vét bùn, thông thoát, làm sạch đường ống nước, trên gương mặt anh đã xuất hiện nhiều vết đồi mồi. Thế nhưng, khi được hỏi công việc vất vả hay không, anh vẫn nở nụ cười.
Vất vả, khó khăn là vậy, hàng ngày lõm bõm dưới lòng cống, ngập ngụa với nước đen ngòm cùng rác thải, nhưng anh Luyện luôn tìm kiếm cho mình một niềm vui trong công việc, mong muốn có một môi trường xanh.
Ô nhiễm môi trường nước đang ngày càng nặng nề, rác thải từ khu dân cư, các loại hoá chất công nghiệp xả ra bừa bãi gây nên ách tắc đường ống. Những người nhân viên như anh Luyện ngày đêm làm việc, mong muốn môi trường ổn định và tốt hơn.
Cũng gọi là may mắn khi vợ hiểu và thông cảm nhiều, vì vợ anh cũng làm công nhân quét dọn và thu gom rác thải chung công ty nhưng đỡ cực nhọc hơn.
Chị Nguyễn Thị Bắc (40 tuổi) với 17 năm làm công việc quét dọn và thu gom rác thải quanh cung đường Hoàng Văn Thụ và ủy ban tỉnh, đi làm từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng và 16 giờ đến 20 giờ. Đi làm cả ngày, luôn phải hít mùi rác thải, bụi của xe cộ và cả những mối nguy luôn tiềm ẩn xung quanh, chị vẫn lựa chọn công việc. Bởi với chị, môi trường sạch đẹp cũng là bản thân mình được hưởng chứ không phải ai.
3 giờ sáng, khi bóng tối còn đang bao phủ khắp mọi nơi, mọi người vẫn đang say giấc thì một người có vóc dáng nhỏ nhắn đang cần mẫn bắt đầu ngày làm việc của mình. Ánh đèn đường cùng với chị Bắc song hành với nhau trên cung đường từ nơi bắt đầu đến đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, ủy ban tỉnh.
Trên từng góc phố, tuyến đường, là tiếng lách cách của xe chở rác, tiếng xao xác chổi tre… những địa điểm, âm thanh ấy đã gắn bó với cuộc đời chị. Hình ảnh chị Bắc mải miết quét dọn trên đường thật giống với "chị lao công” trong bài thơ Tiếng chổi tre của nhà thơ Tố Hữu: Những đêm Đông/ Khi cơn dông vừa tắt/ Tôi đứng trông/ Trên đường lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt, như đồng/ Chị lao công/ Đêm Đông quét rác...
Với những công nhân môi trường như chị Bắc, anh Luyện, niềm mong ước của họ là mong mọi người được hưởng không khí và môi trường sạch vào sáng ngày hôm sau. Khi mới bắt đầu làm công nhân vệ sinh môi trường, họ đã gặp phải những khó khăn khi đi thu gom và cả những mối nguy hiểm đang rình rập.
Không chỉ mùi hôi của rác thải, những người công nhân vệ sinh môi trường như anh Luyện, chị Bắc còn phải đối mặt với những thứ rác thải ấy gây ra như kim tiêm, mãnh vỡ thủy tinh, khí ga tích tụ…
Tiếng chổi tre cùng với tiếng kẻng báo thu gom rác là những âm thanh đặc trưng của đường phố lúc trầm, lúc bổng. Những âm thanh đó tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng mang ý nghĩa hết sức lớn lao, góp phần giữ gìn cho thành phố thêm sạch, đẹp hơn.
Có thể nói, chị Nguyễn Thị Bắc và anh Ngô Văn Luyện là những "chiến sĩ xanh”. Có họ thì đường phố, ngõ làng mới xanh – sạch đẹp. Nếu rác không được thu gom, xử lý thường xuyên, kịp thời thì hệ lụy gây ra với con người, với xã hội là điều vô cùng khủng khiếp.
Rác gây mất mỹ quan đô thị. Rác gây tắc nghẽn cống rãnh, thậm chí ách tắc cầu đường. Rác gây ô nhiễm môi trường sống. Và đặc biệt nghiêm trọng hơn, rác gây ra những dịch bệnh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người… Không cần phân tích thêm cũng đủ thấy sứ mệnh đặc biệt của những người nhân viên môi trường là như thế nào./.


Nguồn Văn hoá và Phát triển
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.