1861 học viên đã tham gia các khóa đào tạo của VWSA trong năm 2016

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 12:50:43 Chiều

Ngày 10/3, tại Trường Cao đẳng xây dựng Công trình đô thị (Gia Lâm - Hà Nội), Hội Cấp thoát nước Việt Nam với đã tổ chức họp đánh giá công tác đào tạo và góp ý một số nội dung chương trình đào tạo năm 2017. Cuộc họp được tài trợ bởi Dự án DEVIWAS - Dự án hợp tác Ngành nước Đức - Việt nâng cao năng lực cho Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA).

Dự cuộc họp có ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Phạm Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng xây dựng Công trình đô thị, đại diện Dự án DEVIWAS, dự án GIZ-WMP, dự án TVET, ông Phạm Xuân Điều - Trưởng ban cùng các thành viên trong Ban Đào tạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam và nhiều vị khách quý đến từ các công ty hội viên của VWSA.

Tiếp tục phát huy thành công của năm 2015, Hội Cấp thoát nước Việt Nam tiếp tục coi công tác đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016. Với sự hỗ trợ của 3 dự án do Đức tài trợ: Dự án Hợp tác Hiệp hội Đức - Việt nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam (DEVIWAS), dự án Tư vấn Hệ thống dạy nghề (TVET), Chương trình Quản lý Nước thải của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ-WMP) cùng sự chủ động của các Chi hội và sự phối hợp của Ban Đào tạo với các dự án, công tác đào tạo bồi dưỡng đã thu được những kết quả rất ấn tượng.

Trong năm 2016 đã tổ chức 38 khóa học (tăng 136%) với sự tham gia của 1861 học viên (tăng 116%). Đặc biệt số lượng lớp do Trung ương Hội trực tiếp tổ chức tăng 242% so với năm 2015. Nội dung đào tạo tập huấn, bồi dưỡng ngày càng đa dạng (tập huấn chính sách pháp luật, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo chuyên đề quản lý kỹ thuật), và đều gắn với yêu cầu, đề xuất của các doanh nghiệp.

Trong báo cáo Tổng kết công tác đào tạo, ông Phạm Xuân Điều cho biết: Các chương trình đào tạo của VWSA thời gian vừa qua không chỉ thu hút sự tham gia của các đơn vị hội viên mà còn có sự tham dự của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm như các Sở Xây dựng, Sở Tài chính một số tỉnh thành (khu vực miền Trung).

Hoạt động đào tạo của VWSA đang từng bước chuyên nghiệp hóa, liên kết với các đơn vị đào tạo được Nhà nước công nhận để cấp các chứng chỉ/chứng nhận hành nghề có giá trị toàn quốc (chứng chỉ về đấu thầu, chứng nhận về huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động…) và từng bước tự chủ về tài chính.

Với từng khóa học, Ban tổ chức đã quan tâm mời những giảng viên là các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước, tuy nhiên giảm dần sự tham gia của chuyên gia nước ngoài và thúc đẩy sự tham gia của các chuyên gia trong nước nhằm đảm bảo tính bền vững của các chương trình đào tạo.

Đặc biệt, trong năm 2016, 27 giảng viên được đào tạo theo chương trình GIZ-WMP và 11 giảng viên theo chương trình TVET đã được cấp chứng chỉ là giảng viên của Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam. Các giảng viên này đã bắt đầu giảng dạy thí điểm 8 lớp chuyên đề về thoát nước và xử lý nước thải cho các hội viên và đơn vị có nhu cầu. 

Bên cạnh đó, VWSA tiếp tục phối hợp với trường Đại học Xây dựng Hà Nội và trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, trường Đại học Xây dựng Miền Tây, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị và trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng tổ chức các lớp đại học tại chức chuyên ngành cấp thoát nước; Phối hợp với "Hợp phần 3 - Đào tạo nghề trong lĩnh vực xử lý nước thải” (TVET) tiến hành khảo sát nắm bắt nhu cầu đào tạo cho nhân viên đang làm việc tại hệ thống thoát và xử lý nước thải ở Việt Nam…

Phát biểu tại cuộc họp Ban đào tạo, ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam gửi lời chân thành cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ hết sức thiết thực và hiệu quả của 3 dự án DEVIWAS, TVET, GIZ-WMP cũng như sự phối hợp của các Chi hội và sự tham gia nhiệt tình của các hội viên cả nước trong công tác đào tạo của Hội thời gian qua.

Đóng góp ý kiến cho công tác Đào tạo của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ông Trương Công Nam - Chủ tịch Chi hội Cấp nước Miền Trung - Tây Nguyên, Chủ tịch Cấp nước Thừa Thiên Huế chia sẻ: Trong bối cảnh cổ phần hóa ngành nước đang diễn ra mạnh mẽ, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất lao động, nguồn nhân lực phải được coi là nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy công tác đào tạo cần được chú trọng nhiều hơn nữa, nhất là trong nhận thức của những người lãnh đạo đứng đầu. Để làm được diều đó, VWSA cần tổ chức khảo sát lại, phận loại các theo các hoạt động của ngành để có các chương trình đào tạo, bám sát với thực tế; tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của công tác đào tạo dành cho lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến đóng góp quý báu khác của các vị đại biểu cũng đã được Ban đào tạo và TW Hội lắng nghe, ghi nhận và sẽ có những điều chỉnh sau đó thông tin cụ thể đến các đơn vị hội viên trong cả nước.

Phát huy thành công năm 2016, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn năm 2017 của VWSA sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể như sau:

TT

Chuyên đề

1

Phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp

2

Quản trị nguồn nhân lực

3

Hợp đồng trong kinh doanh

4

Bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu – Chương trình cơ bản đối với lựa chọn nhà thầu

5

Bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu chuyên sâu

6

Bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu qua mạng

7

Bồi dưỡng phục vụ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu tư vấn, xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn

8

Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng

9

Bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá dự án đầu tư

10

Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)

11

Bồi dưỡng về thị trường chứng khoán và nâng cao năng lực quản trị công ty sau cổ phần hóa

12

Bồi dưỡng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua giao tiếp

13

Bồi dưỡng kỹ năng về quản lý chi phí, quản lý tài chính và thuế cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa


Bài & ảnh: Hà Thắm

  •  
Các tin khác

Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.