Thiếu nguồn nước sạch nuôi trồng thủy sản

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2018 | 11:18:35 Sáng

Hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa đang gặp khó khăn về sản xuất do những năm gần đây, nguồn sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Là hộ có thâm niên gần 20 năm NTTS, ông Nguyễn Văn Rơi, ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ao nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè… mỗi năm thu hoạch 2 lứa với thu nhập gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn nước ô nhiễm nên cá thường xuyên bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của gia đình". Cách đây không lâu, vào tháng 4/2017, hộ ông Lê Văn Mật (thôn Ngọc Động) đã bị thiệt hại nặng bởi 2 tấn cá sắp đến ngày thu hoạch bỗng nhiên chết nổi trắng mặt nước. Không chỉ hộ ông Rơi mà nhiều hộ NTTS ở xã Phương Tú luôn thấp thỏm, lo âu vì nguồn nước phục vụ sản xuất không đảm bảo.

Toàn xã Phương Tú có 218ha NTTS với 200 hộ sản xuất. Trung bình mỗi năm, sản lượng thủy sản của xã đạt 12 tấn/ha, đạt mức thu nhập gần 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ tịch UBND xã Phương Tú Lê Xuân Toán cho hay, hàng năm, NTTS đã đóng góp tới 60% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Tuy vậy, những năm gần đây, nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng nên không thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi nguồn nước sông Đáy lại xa, các trạm bơm chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân nên NTTS thêm phần khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các hộ NTTS thường xuyên phải dùng thuốc để xử lý nước, lắp đặt máy sục khí, bồn vi sinh để tăng lượng ô xy trong nước... Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất của các hộ lên tới trên dưới 5 triệu đồng/năm, cộng với giá cả thủy sản bấp bênh nên rất khó có lãi.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, hiện nay nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu lấy từ sông Nhuệ bị ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, Ứng Hòa là huyện cuối nguồn nên nồng độ ô nhiễm càng đậm đặc.

Thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã đưa nước từ sông Đáy về xã Phương Tú qua trạm bơm Thái Bình để phục vụ sản xuất. Đầu năm 2017, huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng để nạo vét kênh mương thủy lợi, hỗ trợ 1 tỷ đồng cho các hộ NTTS mua chế phẩm xử lý nguồn nước. Dù vậy, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài, huyện Ứng Hòa mong muốn được TP hỗ trợ đầu tư hệ thống dẫn nước từ sông Đáy về địa phương nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn.

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.