Khẩn trương lập danh mục nguồn nước phải bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2022 | 3:41:02 Chiều

Ngày tháng 3 năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 1493/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.

Khẩn trương lập danh mục nguồn nước phải bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh
Sông Lam (Nghệ An). Ảnh: ITN
Văn bản nêu rõ, ngày 10/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3129/BTNMT-TNN gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phê duyệt, công bố theo quy định tại khoản 7 Điều 60 của Luật tài nguyên nước ngày 21/6/ 2012. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ và chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh. 
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tuy nhiên ở một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh. Tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng,…
Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các nội dung nêu trên. Việc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập Quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có hồ ao thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15/12/2022.

Hải Thanh


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường


  •  
Các tin khác

Trong bối cảnh tình hình môi trường đang ngày càng trở nên căng thẳng, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cấp bách cho các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý chất thải y tế tại cơ sở y tế.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) gây ra đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây được coi là cơ sở quan trọng giúp các địa phương quản lý chất thải một cách hiệu quả và bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.