Nước thải là môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại vi khuẩn kháng kháng sinh

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2023 | 3:22:21 Chiều

Một nghiên cứu từ Đại học Gothenburg, Thụy Điển cho thấy, môi trường nước thải rất thuận lợi cho sự tiến hóa kháng thuốc kháng sinh, cho phép các gen kháng thuốc chuyển từ vi khuẩn vô hại sang vi khuẩn gây bệnh.

Trong một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Communications Biology, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kháng Kháng sinh (CARe) ở Gothenburg, Thụy Điển đưa ra được bằng chứng về nơi những gen này có thể đạt được khả năng di chuyển giữa các vi khuẩn.
Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải làm giảm thiểu khả năng ô nhiễm kháng sinh ở các dòng chất thải cùng với nỗ lực giảm sử dụng kháng sinh ở người và động vật, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh mới.

Nước thải là môi trường làm gia tăng các loại vi khuẩn kháng kháng sinh. Ảnh minh họa SciTech Daily
Ngăn chặn hiện tượng kháng kháng sinh
Các nhà khoa học đã chứng minh được, nước thải chứa dư lượng kháng sinh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những vi khuẩn kháng kháng sinh. Bằng chứng mới cho thấy nước thải cũng có những đặc điểm cho phép các gen kháng thuốc bắt đầu hành trình từ vi khuẩn vô hại sang vi khuẩn gây bệnh.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận, trong nước thải không đủ dư lượng kháng sinh để thúc đẩy quá trình này. Những loài vi khuẩn mang gen kháng thuốc trong nhiễm sắc thể cũng cần phải có mặt, cũng như những trình tự DNA cụ thể có thể cung cấp khả năng di chuyển các gen kháng thuốc.
Bằng phương pháp nghiên cứu DNA từ hàng nghìn mẫu, thu thập từ nhiều môi trường khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể xác định, nơi tất cả những thành phần chính kết hợp với nhau để cho phép gen kháng kháng sinh chuyển từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Một điều đáng ngạc nhiên là, những điều kiện này không có trong ruột của con người hay động vật mà có trong nước thải, được lấy mẫu trên khắp thế giới.
Fanny Berglund, nhà nghiên cứu tại Học viện Sahlgrenska thuộc Đại học Gothenburg, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.: "Để chống lại tình trạng kháng kháng sinh, chúng ta không thể chỉ tập trung vào những hoạt động ngăn chặn sự lây lan của những loại vi khuẩn kháng thuốc đã được biết đến, chúng ta cũng cần ngăn chặn hoặc trì hoãn sự xuất hiện của những loại vi khuẩn mới.”
Tập trung vào giảm khả năng kháng kháng sinh
Nhóm nghiên cứu tương tự đã công bố một số nghiên cứu khác cho thấy môi trường chứa rất nhiều loại gen kháng thuốc khác nhau, nhiều hơn cả những gen kháng thuốc thường thấy ngày nay ở vi khuẩn gây bệnh.
Tình trạng này khiến cho môi trường nước thải trở thành một nguồn rất lớn những gen kháng thuốc mới, gen này nối tiếp gen kia có được khả năng nhảy giữa các loài vi sinh vật để cuối cùng trở thành mầm bệnh. Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng, những hoạt động gây ô nhiễm môi trường bằng thuốc kháng sinh sẽ tạo điều kiện làm phát sinh thêm nhiều loại vi khuẩn kháng kháng sinh mới.
"Hiện nay, các nhà khoa học tập trung vào nỗ lực giảm sử dụng kháng sinh ở người và động vật nhằm giảm thiểu sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng kháng sinh. Điều này rất quan trọng, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng chúng ta cần chú ý đặc biệt đến dòng chất thải ra môi trường, vì đây cũng là nơi xuất hiện những biến thể vi khuẩn kháng kháng sinh mới,” Nhà nghiên cứu Fanny Berglund kết luận.

An Đông (T/h)



Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường


  •  
Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.

Samsung Electronics, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch xử lý và tái sử dụng nước thải trong quá trình sản xuất chip bán dẫn.