Đầu tư ít phát thải: Thanh long Bình Thuận cắt giảm 68% lượng phát thải các bon và tiết kiệm 50% năng lượng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 3/2/2024 | 10:47:17 Sáng

Sự chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận” đã minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/01/2024.

Nhiều kết quả đáng khích lệ từ Dự án "Thúc đẩy sự tham gia khu vực tư nhân vào đầu tư ít phát thải và thích ứng với khí hậu trong việc thực hiện những đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho ngành nông nghiệp” đã được đại diện của UNDP, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu chia sẻ tại Hội thảo. Chỉ trong vòng 3 năm, dự án đã tạo được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long ở Bình Thuận và tôm ở Bạc Liêu thành những điểm sáng về mô hình nông nghiệp xanh của địa phương, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.


Chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước thay vì phương thức truyền thống, người dân đã có thể cắt giảm 68% lượng phát thải các bon và tiết kiệm 50% năng lượng.

Cụ thể, với thanh long ở Bình Thuận, dự án đã góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của gần 5.000 nông dân địa phương, giới thiệu cho họ các phương pháp sản xuất xanh bền vững. Với việc chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước thay vì phương thức truyền thống, người dân đã có thể cắt giảm 68% lượng phát thải các bon và tiết kiệm 50% năng lượng. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng Mặt trời áp mái và các công nghệ tiết kiệm nước đã có thể giúp giảm 42% lượng nước tiêu thụ, tiết kiệm cho mỗi trang trại ít nhất 600.000 đồng/ha (25 USD/ha).

4 hoạt động cơ bản của Dự án

Tại Hội thảo, Đại diện của UNDP đã chia sẻ về nội dung, ý nghĩa của dự án "Thúc đẩy sự tham gia khu vực tư nhân vào đầu tư ít phát thải và thích ứng với khí hậu trong việc thực hiện những đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam cho ngành nông nghiệp”. Theo đó, trên cơ sở mục tiêu chung của Dự án là thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, hỗ trợ và thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu góp phần thực hiện NDC của Việt Nam. Dự án chú trọng 04 hoạt động chính:

Thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng liên kết chuỗi thanh long theo hướng phát thải các bon thấp, bền vững và chống chịu với rủi ro khí hậu. Hoạt động này tập trung hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông và đào tạo về thương mại điện tử, lập kế hoạch kinh doanh thanh long xanh và áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, sử dụng vật tư đầu vào hướng đến giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất và chế biến; sử dụng đèn LED để chiếu sáng, tưới nhỏ giọt, sử dụng năng lượng Mặt trời để vận hành hệ thống tưới.

Quảng bá phát triển thương hiệu cho sản phẩm thanh long tỉnh Bình Thuận. Hoạt động này tập trung vào: tập huấn nâng cao năng lực doanh nghiệp/hợp tác xã (HTX), người sản xuất trong chuỗi cung ứng thanh long; chia sẻ các bài học kinh nghiệm với các ngành hàng nông sản khác; xây dựng thương hiệu thanh long Bình Thuận chất lượng cao, các sản phẩm chế biến trong chuỗi xanh hóa thanh long Bình Thuận; tổ chức các hội thảo, trong đó nổi trội là hoạt động kết nối các doanh nghiệp và HTX trong chuỗi giá trị thanh long xanh.

Hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất thanh long. Tập trung triển khai các giải pháp số hóa, hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ thông tin trong nghiên cứu và phát triển, phân tích kinh doanh cho hệ thống thông tin chuỗi cung ứng thanh long; hợp tác trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong việc quản lý và sản xuất thanh long; hỗ trợ thúc đẩy thực hiện hoạt động chuyển đổi số tại các HTX/doanh nghiệp; tập huấn xác định dấu chân các bon trong canh tác thanh long.

Kêu gọi nguồn tài chính xanh và các cơ chế ưu đãi tài chính để đầu tư cho các công nghệ sản xuất và chế biến thân thiện môi trường, phát thải các bon thấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Dự án được triển khai trên 04 HTX/doanh nghiệp tại 03 huyện với tổng số người hưởng lợi là 4.495 người, trong đó số người hưởng lợi trực tiếp là 1.038 người (chiếm 23,09%) và số người hưởng lợi gián tiếp là 3.457 người (chiếm 76,91%); ưu tiên các HTX là nữ lãnh đạo và thanh niên quản trị.

Qua đào tạo, tập huấn, Dự án đã góp phần thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản xuất thanh long được nâng cao; HTX/doanh nghiệp lập được kế hoạch kinh doanh xanh, từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra sản phẩm được tích hợp đa giá trị.

Thanh long Bình Thuận - phát huy hiệu quả từ Dự án

Về kết quả triển khai Dự án tại Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết: đã có trên 80.000 bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi với 100% hộ thành viên tại các HTX chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9W, tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới.


Dự án đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các HTX/doanh nghiệp thanh long.

Đặc biệt, Dự án đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử tại các HTX/doanh nghiệp thanh long, từ đó các hợp tác xã, doanh nghiệp đã

chứng minh chất lượng sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch và có trách nhiệm; từ 50 ha ban đầu có thể truy xuất nguồn gốc, đã mở rộng lên 269 ha và đã được theo dõi phát thải các bon. Tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 8.640 lượt ha thanh long, tương đương 23.300 tấn thanh long được theo dõi phát thải các bon. Kết quả này đánh dấu sự thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận bền vững và có trách nhiệm; từ đó đã giúp các HTX, doanh nghiệp có đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững.

Bên cạnh đó, các hoạt động góp phần xanh hoá sản xuất thanh long cũng được triển khai thực hiện, như: trồng cây lâm nghiệp (lấy gỗ tạo vùng đệm) hàng biên trên các trang trại sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp và khu vực tư nhân nâng cao nhận thức và thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi có liên quan, nhằm tăng cường chính sách tín dụng cho vay từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể trong nông nghiệp xanh và bền vững.

Để đưa cây thanh long phát triển theo hướng xanh, bền vững, tỉnh Bình Thuận xác định rõ những mục tiêu, giải pháp. Cụ thể: 1) nhân rộng và đẩy mạnh chuyển giao các kết quả đạt được từ hoạt động của dự án đến các HTX/doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thanh long; đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sáng kiến có từ dự án vào sản xuất; phát triển ngành hàng thanh long hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng thị trường quốc tế; 2) thúc đẩy thực hành canh tác bền vững, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc sử dụng bóng đèn LED 9W; tưới tiết kiệm nước trong sản xuất; tích cực áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã QR để chứng minh chất lượng và trách nhiệm môi trường.

Theo Khoa học và Công nghệ

  •  
Các tin khác

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase tại Hội nghị Thượng đỉnh Quản lý chất thải và chất thải thành năng lượng châu Á lần thứ 8 năm 2024.

Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Vietdream nghiên cứu phát triển công nghệ CDI ứng dụng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, từ đó cho ra đời các thế hệ lõi lọc với nhiều ưu điểm nổi trội.

Chi phí thấp cùng độ bền khiến gốm làm mát trở thành ứng viên sáng giá để thương mại hóa cho nhiều ứng dụng, chủ yếu ở ngành xây dựng, trong tương lai gần, khi tình trạng nóng lên toàn cầu ngày một trầm trọng.

Các robot và máy phân loại quang học được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp cải thiện rõ rệt tính hiệu quả kinh tế của hoạt động tái chế vì chúng phát hiện các vật liệu cần thu hồi nhanh hơn con người và làm việc không cần nghỉ ngơi.