Hà Nội dự tính thí điểm làn đường riêng cho xe đạp

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2022 | 3:09:18 Chiều

Để chống ùn tắc, TP. Hà Nội cho biết sẽ không cấp phép xây dựng chung cư, cao ốc nếu không đáp ứng quy định có bãi đỗ xe, đồng thời tổ chức lại giao thông, thí điểm làn riêng dành cho xe đạp.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch của TP Hà Nội đặt ra mục tiêu mỗi năm xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn tác, đồng thời hạn chế phát sinh điểm ùn tắc mới, không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Hà Nội cũng phấn đấu xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2020.

tm-img-alt

Hà Nội dự tính thí điểm làn đường riêng cho xe đạp (Ảnh: Internet)

Để đạt được kế hoạch đề ra, TP Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc. Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống cầu qua sông, các nút giao thông trọng điểm…

 

Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương.

Một trong những giải pháp đáng chú ý được Hà Nội đặt ra đó là chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng từ 30-35% nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe; không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.

Tính đến giữa 2022, Công an TP Hà Nội quản lý 7,67 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và 6,4 triệu mô tô và hơn 179 nghìn xe máy điện.

Trước đó, tháng 3/2022, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị Hà Nội với nhận định xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một "phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện", tăng khả năng kết nối vận tải hành khách công cộng.


Minh Thư (T/h)



Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

 
  •  
Các tin khác

Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành công văn số 612/UBND-KT về việc chỉ đạo thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Thông qua hoạt động trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm một lần nữa khơi dậy trong các em học sinh tình yêu quê hương đất nước, ý chí quật cường của dân tộc cũng như những trang sử vẻ vang một thời qua tên của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.