Kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê (Bắc Ninh)

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2024 | 2:46:12 Chiều

Ngày 4/7, UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức Hội nghị bàn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

Thực hiện Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030”, thời gian qua, thành phố Bắc Ninh tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý và đình chỉ hoạt động một số cơ sở sản xuất giấy vi phạm; yêu cầu các cơ sở đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn. Từ năm 2021 - 2023, các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 72 trường hợp vi phạm về môi trường, xử phạt hơn 6,3 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 12 cơ sở, doanh nghiệp.


Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh hoạ

Với sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, tình hình ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê cải thiện đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cơ sở có hành vi xả trộm nước thải không qua xử lý ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu; một số cơ sở sản xuất hơi thương phẩm chưa bảo đảm chất lượng khí thải theo quy định; tình trạng mất an toàn về điện còn diễn ra.

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại trên, UBND thành phố triển khai Kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật tại phường Phong Khê đến năm 2030. Mục tiêu trước mắt là kiểm tra, xử lý nghiêm toàn bộ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện trong khu vực dân cư, cơ sở dử dụng đất đi phạm, yêu cầu dừng hoạt động sản xuất trước ngày 31-12-2024 theo lộ trình Đề án đề ra.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị chức năng và đại diện các khu phố của phường Phong Khê đồng tình với chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khư dân cư. Đề nghị thành phố Bắc Ninh triển khai thực hiện các bước theo lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hoà, công bằng giữa các doanh nghiệp cũng như công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự của địa phương; đẩy nhanh tiến độ kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất; giới thiệu các địa điểm để doanh nghiệp di dời đến tìm hiểu đầu tư…

Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu khẳng định: Quan điểm của thành phố là làm thực chất, bài bản và phải di dời các cơ sở vi phạm trong khu dân cư trên địa bàn phường Phong Khê xong trước ngày 31-12-2024. Thời gian tới, thành phố Bắc Ninh sẽ thành lập 7 Tổ công tác trực tiếp xuống làm việc với các cơ sở sản xuất về các lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, điện, đất đai, trật tự đô thị, an toàn lao động, môi trường, thuế.

Từ ngày 10-7 đến 20-8, các Tổ công tác sẽ làm việc với 228 doanh nghiệp trong khu vực dân cư để xác lập biên bản cam kết dừng sản xuất; tuyên truyền vận động các doanh nghiệp di chuyển đến các địa điểm được giới thiệu; trường hợp có hành vi chống đối tiến hành lập biên bản vi phạm. Các thành viên của Tổ công tác cũng sẽ tham dự sinh hoạt chi bộ tại các khu phố của phường Phong Khê.

Thành phố Bắc Ninh sẽ tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp và liên hệ, đưa các doanh nghiệp đến thăm các khu, cụm công nghiệp để tìm hiểu đầu tư trong tháng 8. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương di dời trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường trang bị thêm các camera giám sát tại các khu phố của phường Phong Khê; tiến hành khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân gương mẫu chấp hành theo từng đợt.

Đối với Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố vẫn tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, bảo đảm các yếu tố an toàn, bền vững, thuận lòng dân khi thực hiện lộ trình chuyển đổi.

THANH HẰNG
  •  
Các tin khác

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đối với thuốc lá gần đây đã nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Một quan ngại chính là liệu việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu và làm thất thu ngân sách? Đâu là phương án tăng thuế hợp lý và hiệu quả vừa đảm bảo cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ?

Để phát triển đô thị theo mô hình đô thị carbon thấp trong bối cảnh chưa có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và hành lang pháp lý như hiện nay, các đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng và phát triển.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học (Marker phân tử) vào chọn giống lúa thơm (Cà Mau Thơm 3) có khả chịu mặn, chất lượng cao và năng suất cao cho vùng sản xuất lúa và lúa - tôm của tỉnh Cà Mau”. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, Cà Mau Thơm 3 có thời gian sinh trưởng trung bình 95 ngày, năng suất cao (trung bình ≥5,0 tấn/ha), thích hợp cho mô hình canh tác lúa và lúa - tôm trên địa bàn tỉnh.