Công cụ và chỉ số đo lường sẽ giúp đánh giá hiệu quả của kinh tế tuần hoàn

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:39:28 Chiều

Việc xây dựng khung giám sát và các chỉ số đo lường là yếu tố then chốt để đánh giá tiến độ và hiệu quả của các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Tại hội thảo "Ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn”, ngày 10/7, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các công cụ và chỉ số đo lường để đánh giá hiệu quả kinh tế tuần hoàn.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.


Hội thảo về ứng dụng các công cụ và chỉ số đo lường thực hiện kinh tế tuần hoàn

Ông Nguyễn Định Thọ cho biết, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được quy định rõ trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng khung hướng dẫn, áp dụng và đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trên toàn quốc.

Chia sẻ về kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong như Đức, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, và Trung Quốc, bà Susanne Luther, giám đốc Viện Hợp tác quốc tế, Quỹ Hanns Seidel cho biết, Trung Quốc đã triển khai hệ thống Chỉ số Đánh giá phát triển kinh tế tuần hoàn từ năm 2007 và liên tục cải tiến, trong khi Nhật Bản đã phát triển một bộ chỉ số kinh tế tuần hoàn gồm 4 chỉ số chính và hơn 40 chỉ số phụ để theo dõi tiến trình ở cấp quốc gia.

Việc xây dựng khung giám sát và các chỉ số đo lường là yếu tố then chốt để đánh giá tiến độ và hiệu quả của các hoạt động kinh tế tuần hoàn. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về vai trò của các công cụ này trong việc giảm thiểu khai thác tài nguyên không tái tạo, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, và kéo dài thời gian sử dụng vật liệu và sản phẩm. Đồng thời, việc thiết lập các chỉ số này cũng giúp kiểm tra mức độ tuần hoàn mà sản phẩm hoặc dịch vụ đạt được trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một điểm nhấn quan trọng trong hội thảo là việc trình bày về phương pháp xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dựa trên nghiên cứu dòng chuyển hóa vật chất và tính vòng đời của công trình xây dựng. Những thông tin này đã cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về mức độ sẵn sàng và khả năng thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Đây là cơ hội quý báu để học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hội thảo lần này như một bước khởi đầu tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững.

BẢO NGỌC

  •  
Các tin khác

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đối với thuốc lá gần đây đã nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Một quan ngại chính là liệu việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu và làm thất thu ngân sách? Đâu là phương án tăng thuế hợp lý và hiệu quả vừa đảm bảo cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ?

Để phát triển đô thị theo mô hình đô thị carbon thấp trong bối cảnh chưa có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và hành lang pháp lý như hiện nay, các đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng và phát triển.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học (Marker phân tử) vào chọn giống lúa thơm (Cà Mau Thơm 3) có khả chịu mặn, chất lượng cao và năng suất cao cho vùng sản xuất lúa và lúa - tôm của tỉnh Cà Mau”. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, Cà Mau Thơm 3 có thời gian sinh trưởng trung bình 95 ngày, năng suất cao (trung bình ≥5,0 tấn/ha), thích hợp cho mô hình canh tác lúa và lúa - tôm trên địa bàn tỉnh.