Đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2013 | 8:28:40 Sáng

Nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước đặt ra bao gồm: khai thác sử dụng nguồn nước một cách hợp lý; bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm không bị ô nhiễm, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nước đủ để phục vụ cho phát triển kinh tế và cho đời sống xã hội. Để làm được điều này, trước hết phải xác định rõ nguyên nhân đang làm ảnh hưởng đến chất lượng và trữ lượng nguồn tài nguyên nước.

o bà Phan thị Thanh Giao, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở TNMT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu nước như: do đặc thù vị trí địa lý; do khai thác sử dụng bừa bãi, quá mức và không thể kiểm soát môi trường của việc khai thác nước ngầm; do sự  chuyển đổi trạng thái sang khô hạn và bán khô hạn bởi tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến hiện tượng tăng nhiệt độ, “nóng lên của trái đất”, dẫn đến khô hạn hóa....

Tại tỉnh BR-VT, theo đánh giá của các nhà khoa học, trữ lượng nguồn nước khai thác tiềm năng khoảng 676.683m3/ngày đối với nước nhạt và 124.588m3/ngày đối với nước mặn. Trong đó, trữ lượng nước khai thác an toàn của nước nhạt đạt 338.258m3/ngày, nước mặn là 27.147m3/ngày. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị cấp nước với công suất khai thác, cung cấp nước sinh hoạt hiện là 220.000m3/ngày đêm. Nguồn cung cấp cho các nhà máy nước chủ yếu là từ nước ngầm. Ngoài ra, còn một lượng nước nhạt không nhỏ phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Với mức độ khai thác hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh của các đô thị và các khu công nghiệp, cùng nhiều hoạt động có tác động xấu đến nguồn nước ngầm như: xả thải công nghiệp, chất thải sinh học, thuốc bảo vệ thực vật…chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước là rất lớn.

Ô nhiễm nguồn nước ngầm, bài học từ thực tế

Ô nhiễm nguồn nước có nguy cơ làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước phục vụ đời sống. Có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nhiều nguyên nhân từ phía con người như: đưa các nguồn thải từ hầm vệ sinh, cống rãnh, y tế, sản xuất, sản xuất công nghiệp; rác thải, chất thải nguy hại...không qua xử lý vào lòng đất.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm khu vực 100 ha Tóc Tiên đã minh chứng cho tình trạng hủy hoại nguồn tài nguyên nước từ con người. Đó là việc đem gần 1 triệu tấn rác thải sinh hoạt chôn không hợp vệ sinh xuống lòng đất. Từ đó tạo ra hàng chục ngàn m3 nước rỉ rác, thấm xuống lòng đất, lan vào các mạch nước ngầm, làm cho toàn bộ các giếng nước và con suối khu vực quanh đó ô nhiễm nghiêm trọng. Nước ngầm, nước suối từ màu trắng chuyển sang màu vàng sậm, có mùi hôi rất khó chịu. Người dân sinh sống quanh khu vực dùng nước rửa chân tay cũng gây ghẻ lở.
 
 
1
Một hố chôn lấp rác khu Tóc Tiên
 
Anh Nguyễn Thành Công ở ấp 4, tổ 1, xã Tóc Tiên, cho biết: “Từ khi đem rác đổ ở đây, không những mùi hôi thối rất kinh khủng mà nước để sinh hoạt, phục vụ sản xuất đều bị ô nhiễm nặng nề. Ăn không được, rửa ráy thì lở ngứa, tắm heo cũng không được”

Ô nhiễm nguồn nước ngầm ở khu vực Tóc Tiên không còn ở mức bình thường. Mẫu hiện trạng môi trường tại đây đã được đem đi thử nghiệm, kết quả phân tích nước ngầm cho thấy đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng nói là việc ô nhiễm nguồn nước ngầm lan rộng rất nhanh. Bà Phan thị Thanh Giao, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở TNMT phân tích: “Giữa nước mặt và nước ngầm có mối liên quan rất chặt chẽ với nhau. Nó ô nhiễm như thế thì không những nó ô nhiễm cho vùng đó mà còn lan tỏa. Nguồn nước dưới đất nó vận động từ chỗ này sang chỗ kia theo qui luật, theo động thái của nó”


 
1
Suối đá bị ô nhiểm nguồn nước do bãi chon rác Tóc Tiên gây ra
 
Quả vậy, ô nhiễm từ việc chôn rác thải sinh hoạt ở Tóc Tiên đã nhanh chóng lan rộng ra bên ngoài các hố chôn gần 2 km. Chính quyền tỉnh đã phải tổ chức di dời các hộ dân sống quanh khu vực bị ô nhiễm. Đây là một vấn đề gây nhiều hệ lụy phải giải quyết và cần rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc.
 
Lập vành đai bảo vệ

Theo bà Phan thị Thanh Giao, để bảo vệ nguồn nước ngầm, tỉnh đã xây dựng hệ thống quan trắc, nhằm ngăn ngừa ô nhiễm cho các lưu vực sông, đồng thời, giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm. Đến nay, đã xây dựng  được 46 điểm quan trắc với 72 lỗ khoan, ưu tiên bố trí ở các khu vực sử dụng nhiều lượng nước ngầm như KCN, các khu vực thị trấn, thị tứ. Mạng lưới quan trắc này sẽ phản ánh động thái của từng cấu trúc chứa nước, nhằm phục vụ việc kiểm soát, dự báo và hạn chế thiệt hại đối với nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Sở TNMT đã xây dựng Qui hoạch quản lý khai thác bảo vệ bền vững tài nguyên nước dưới đất của tỉnh. Với quan điểm khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất hợp lý, phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước dưới đất của từng địa bàn, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH, đồng thời bảo vệ nguồn nước và môi trường ổn định, bền vững, qui hoạch tập trung tính toán tiềm năng, đưa ra những con số trữ lượng cụ thể ở từng tầng, từng khu vực và giới hạn được phép khai thác, tránh khai thác vượt giới hạn cho phép, dẫn đến nhiễm mặn. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc xả thải gây tác động xấu đến nguồn nước dưới đất.

Qui hoạch này chỉ rõ những khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất. Trong đó, các vùng như: một phần diện tích các xã Bình Châu, Bưng Riềng, Phước Thuận, Bông Trang, Tân Lâm, Hòa Hiệp, của huyện Xuyên Mộc; khu đất lâm nghiệp các xã: Tóc Tiên, Châu Pha, Phước Hòa, Tân Hòa, huyện Tân Thành và một phần diện tích của thị xã Bà Rịa, thuộc diện cấm khai thác nước dưới đất. Bà Phan Thị Thanh Giao cho biết, qui hoạch đã được công bố đến tất cả các địa phương với kỳ vọng giúp nhiều người biết để có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, căn cứ vào qui hoạch này để làm các qui hoạch khác cho đồng bộ và phù hợp. Ví dụ những khu vực khai thác tập trung, khai thác nước công nghiệp thì xung quanh khu vực đó phải làm hành lang bảo vệ để bảo vệ nguồn nước ngầm. Việc khoanh vùng như  thế cũng giúp người dân ý thức được rằng khi khai thác thì khai thác công suất thế nào cho phù  hợp.

Huỳnh Liễu (dwrm.gov.vn)

  •  
Các tin khác

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã và đang không ngừng nỗ lực để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt đến được với người dân trên địa bàn tỉnh trong những ngày nắng hạn.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, quan tâm đầu tư cho công tác cấp nước sạch nhằm nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn miền núi và hải đảo, góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, cán bộ công nhân viên Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội thay phiên trực 24/24h, bảo đảm cung cấp nước sạch ổn định tới khoảng 4 triệu người dân tại 16 quận, huyện.