GS.TS. Nguyễn Việt Anh làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Xây dựng năm 2019

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/6/2019 | 5:47:27 Chiều

Ngày 6/6/2019 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã có Quyết định số 19/QĐ-HĐGSNN về việc thành lập và bổ nhiệm các chức danh của 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2019 . Theo đó GS.TS.Nguyễn Việt Anh - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Viện trưởng Viện KHoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước - Trường Đại học Xây dựng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc năm 2019.

GS.TS Nguyễn Việt Anh trong buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và bàn giao mô hình bơm Grundfos phục vụ Nghiên cứu khoa học và Đào tạo

Được biết, GS.TS Nguyễn Việt Anh sinh năm 1968, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ xử lý nước và nước thải Liên bang Nga năm 1995. GS.TS Nguyễn Việt Anh hiện là Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Là một trong những nhà khoa học trẻ, GS.TS Nguyễn Việt Anh đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu. Hàng trăm bài báo đã được đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế, hướng tới các vấn đề mà khoa học và thực tiễn quan tâm, như: Nghiên cứu xử lý bùn thải, phân bùn, chất thải rắn hữu cơ, thu biogas sản xuất năng lượng; Nghiên cứu thu hồi tài nguyên từ các dòng thải đô thị; Nghiên cứu thu gom, xử lý, cung cấp nước mưa cho các cộng đồng dân cư nghèo; Xử lý nước thải phân tán, chi phí thấp; vv… Giáo sư đã có hơn chục bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín (ISI, SCOPUS), và hàng chục báo cáo tại các hội nghị quốc tế lớn trong lĩnh vực Cấp thoát nước, Công nghệ môi trường, Đô thị xanh, …

GS cũng đã cùng với các đồng nghiệp của mình biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, được sử dụng trong giảng dạy đại học, sau đại học ở các trường đại học, viện nghiên cứu, về xử lý nước cấp, nước thải, bùn cặn; về thiết kế công trình xanh; về cấp nước và vệ sinh chi phí thấp; quản lý hệ thống cấp nước, thoát nước… Nhiều cuốn sách được sử dụng tại các doanh nghiệp, được đánh giá cao về tính thực tiễn.

Nhiều công trình nghiên cứu, phát minh của GS.TS Nguyễn Việt Anh đã được chuyển giao, được ứng dụng thành công trong thực tế, như: Hệ thống bể xử lí nước thải tại chỗ hợp khối kị khí kết hợp với hiếu khí BASTAFAT (đã cấp bằng Sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ); Vòi phun sử dụng trong xử lí nước bằng công nghệ tuyển nổi áp lực (đã được cấp bằng Sáng chế); Giá thể vi sinh dùng để xử lý nước thải (đã cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích); Hệ thống hồ sinh học kiểm soát sự cố do nước thải (đã được cấp bằng Sáng chế); Giải pháp kiểm soát ô nhiễm kênh mương, sông hồ (đã được cấp bằng Sáng chế); vv…

Cùng với GS. TS. Nguyễn Việt Anh, Hội đồng liên ngành Xây dựng – Kiến trúc năm nay có sự tham gia của 6 Giáo sư đầu ngành, đại diện cho các lĩnh vực chuyên sâu trong khối Xây dựng – Kiến trúc, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội chuyên ngành. Các Giáo sư đều có nhiều công trình khoa học, công bố quốc tế, có chỉ số trích dẫn (H-Index) cao, được sự tín nhiệm của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và của các đồng nghiệp.

Danh sách Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Xây dựng - Kiến trúc năm 2019 do GS.TS Nguyễn Việt Anh làm Chủ tịch Hội đồng
 
Đồng Anh Tuấn
  •  
Các tin khác

Biến đổi khí hậu hiện nay đang làm gia tăng các áp lực tới các hệ sinh thái của đất ngập nước. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phục hồi đất ngập nước để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Mỹ và giáo sư Minha Choi tại Trường Kỹ thuật dân dụng, kiến trúc và Hệ thống môi trường, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đã tìm ra mối tương quan giữa hạn chớp nhoáng và El Niño tại Việt Nam.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.