Số liệu thống kê cho thấy, Bộ Quốc phòng đã phát hiện và xử lý đối với 2.198 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 54 tỷ đồng, bàn giao 15 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cho UBND các tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Tổng cục Thủy sản và lực lượng kiểm ngư vùng thuộc Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện và xử lý đối với 627 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 2 tỷ đồng.
Tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tập trung một số hành vi như: khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ảnh: Internet
Trong 2 năm thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, các địa phương đã phát hiện 8.810 trường hợp vi phạm với số tiền phạt trên 83 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực khai thác thủy sản, đã phát hiện và xử lý 7.095 trường hợp với số tiền phạt trên 68 tỷ đồng; lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát hiện và xử lý 209 trường hợp với số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Về sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản đã phát hiện và xử lý 1.056 trường hợp với số tiền phạt gần 13 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua hơn 2 năm thi hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP trên phạm vi cả nước đã có chuyển biến tích cực; các vụ vi phạm về hành chính được phát hiện và xử phạt kịp thời đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt tại địa phương cơ bản thực hiện đúng quy định; xác định đúng đối tượng vi phạm; mức xử phạt, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm…
Nhiều hành vi vi phạm hành chính được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành chính vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tập trung một số hành vi như: khai thác thủy sản bất hợp pháp; sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản; sản xuất, buôn bán sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do sự phản ứng của đối tượng vi phạm. Nhiều trường hợp chống đối hoặc chây ỳ, không chấp hành quyết định xử phạt. Có nhiều trường hợp chỉ chấp hành quyết định xử phạt tiền mà không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thi hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí hoạt động, trang thiết bị, phương tiện làm việc, hệ thống cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ… vẫn chưa được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và đáp ứng một cách kịp thời, đầy đủ. Tại hầu hết các Bộ, ngành, địa phương, các hoạt động liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính được lồng ghép trong một số hoạt động chuyên môn của từng lĩnh vực cụ thể và sử dụng nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của mỗi cấp.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ có liên quan đã triển khai việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, do chỉ bố trí công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành kiêm nhiệm, nên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đối với việc tham mưu, xử lý những vụ việc liên quan đến nghiệp vụ chuyên sâu… Vì vậy, chưa đáp ứng thường xuyên đáp ứng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc tuần tra, kiểm soát trên biển và vùng nước nội địa.
Về thẩm quyền và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định chưa quy định đầy đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi vi phạm nghiêm trọng như "khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác” và "tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép”, là chưa phù hợp với Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Quy định này đã có sự bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là những hành vi khai thác bất hợp pháp (IUU) đã ảnh hướng quá trình gỡ "thẻ vàng” của Việt Nam.
Quy định phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu tại một số điểm, khoản, điều chưa đúng quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định số 42/2019/NĐ-CP cũng chưa quy định hành vi tàu cá khi hoạt động "không mang theo Giấy phép khai thác thủy sản và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá”. Vì thực tế nhiều trường hợp tàu cá hoạt động trên biển không mang 2 loại giấy nêu trên hoặc chỉ mang bản photocopy, gây khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm để xử lý…
Nhìn chung, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP vẫn còn những bất cập, thiếu tính thống nhất với Luật Thủy sản và các luật khác có liên quan. Một số chế tài thiết tính khả thi, còn bỏ sót nhiều vi phạm trong thực tế nhưng chưa được luật hóa. Thẩm quyền xử phạt chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phạm vi hoạt động của từng lực lượng liên quan đến lĩnh vực thủy sản và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã được quy định tại các luật chuyên ngành.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị với Bộ Tư pháp bổ sung một số hành vi vi phạm vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP như: "Không mang bản chính hoặc bản sao chứng thực đối với Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; Sổ đăng kiểm tàu cá; bảo hiểm thuyền viên tàu cá khi hoạt động trên biển”; "không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định” đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; "không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 mét” và "không mang Giấy phép khai thác thủy sản và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá”…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Trúc Ngân
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam