Hải Phòng: Chính quyền xã nói gì về chất lượng nước sinh hoạt của Hạ Câu?

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/11/2021 | 2:43:42 Chiều

Riêng nhà máy nước Bạch Câu do đi vào sử dụng đã lâu, nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cung cấp nước sinh hoạt đã cũ kỹ, lạc hậu, các bể chứa đã xuống cấp… dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo của nhà máy nước Hạ Câu, xã Quốc Tuấn (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng), đại diện lãnh đạo xã đã thành lập tổ công tác trực tiếp xuống lấy mẫu nước tại nhà riêng một vài hộ có ý kiến trước đó đưa đi thử nghiệm ở một đơn vị giám định độc lập.
tm-img-alt
Qua 2 bể lọc ép và bể than hoạt tính, nước được đưa về bể tinh. Từ đây, nước được đưa xuống bể ngầm rồi chạy thẳng đến các hộ dân

Trao đổi với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Trịnh Thế Lữ -Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn (huyện An Lão) thông tin, trên địa bàn xã có 6 thôn thì có đến 3 đơn vị cấp nước là công ty CP cấp nước thị trấn An Lão (cấp nước sinh hoạt cho 2 thôn Cẩm Văn và Đâu Kiên); nhà máy nước Hạ Câu cấp cho ½ thôn Hạ Câu; nhà máy nước Bạch Câu cấp cho các thôn Bạch Câu, Đông Nham 1, Đông Nham 2 và ½ thôn Hạ Câu còn lại. "Chính quyền xã không có máy móc cũng như chuyên môn để kết luận chất lượng nước của đơn vị nào là đảm bảo hay không đảm bảo. Nhưng về cảm quan và thực tế sử dụng, địa phương đánh giá, về cơ bản, chất lượng nước của công ty CP cấp nước thị trấn An Lão và nhà máy nước Hạ Câu sạch, nước trong, không có mùi. Riêng nhà máy nước Bạch Câu do đi vào sử dụng đã lâu, nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cung cấp nước sinh hoạt đã cũ kỹ, lạc hậu, các bể chứa đã xuống cấp… dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo”, ông Lữ xác nhận.

tm-img-alt
Mẫu nước đưa đi kiểm định cho kết quả đạt tiêu chuẩn sử dụng

Trước tình trạng trên, chính quyền xã Quốc Tuấn đã mời đơn vị cung cấp nước và các bên liên quan lên làm việc. Sau một thời gian bàn bạc, các bên cùng đi đến thống nhất chuyển giao một phần việc cấp nước sinh hoạt của nhà máy nước Bạch Câu cho một đơn vị có đủ năng lực, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân là công ty CP Cấp nước thị trấn An Lão. Theo đó, ngày 13/8, tại UBND xã Quốc Tuấn, NM nước Bạch Câu và công ty CP cấp nước thị trấn An Lão đã ký kết thành công hợp đồng chuyển nhượng việc cung cấp nước sinh hoạt. Cụ thể, công ty CP Cấp nước thị trấn An Lão được cấp nước sạch cho 900 hộ dân các thôn Đông Nham 1, Đông Nham 2 và ½ thôn Hạ Câu. Riêng nước sinh hoạt tại thôn Bạch Câu, tạm thời vẫn do NM nước Bạch Câu cung cấp.

Việc nỗ lực tìm hướng khắc phục, giải quyết vấn đề nước sạch nông thôn của chính quyền xã và doanh nghiệp thời gian qua được đông đảo người dân các thôn Hạ Câu, Đông Nham 1, Đông Nham 2 bày tỏ sự vui mừng, ghi nhận. Tuy nhiên, mới đây, một số người dân thôn Hạ Câu (khu vực đang sử dụng nước sạch do nhà máy nước Hạ Câu cung cấp) lại có ý kiến lên chính quyền, đề nghị được thay đổi đơn vị cung cấp nước. Nguyên nhân một phần là do người dân lo ngại rằng, nguồn nước mà nhà máy nước Hạ Câu đang sử dụng được lấy từ kênh trung thủy nông, có nguy cơ lẫn với chất thải từ các nhà máy sản xuất kim loại gần đó.

 
tm-img-alt
Nước sinh hoạt chảy ra trực tiếp từ vòi nước hộ ông Be

Đầu tháng 10/2021, đại diện lãnh đạo xã Quốc Tuấn cùng cán bộ, trưởng thôn Hạ Câu… đã trực tiếp đến một vài hộ gia đình (trong đó có hộ phàn nàn về chất lượng nước của nhà máy nước Hạ Câu trước đó) để lấy mẫu nước đưa đi giám định tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng. Kết quả, có 04 hộ được lấy mẫu thì các chỉ tiêu được kiểm nghiệm của cả 04 hộ đều đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01-1:2018/BYT (quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt).

Liên quan đến nguồn nước, Nguyễn Ngọc Hoàng-quản lý NM nước Hạ Câu chia sẻ, từ 4 năm nay, đơn vị đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi nước thô với công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ. Cụ thể, nguồn nước thô được lấy trực tiếp từ sông Đa Độ với tổng lượng nước khai thác khoảng 50,5m3/ngày đêm.

Chị Nguyễn Thị Dung (44 tuổi, thôn Hạ Câu, xã Quốc Tuấn) kể lại: "Thời gian trước dùng nước sinh hoạt của NM nước Bạch Câu, chúng tôi phải dự trữ vào bể rồi mới sử dụng. Vậy mà đến khi nấu chín, nước canh vẫn có mùi khó chịu. Hơn một năm nay chuyển sang dùng nước của NM nước Hạ Câu, chúng tôi đã có thể ăn nước trực tiếp từ vòi. Gia đình tôi còn dự định, mấy hôm nữa chúng tôi sẽ mua máy lọc nước để uống trực tiếp, không cần đun sôi”.

 

Mở vòi nước sinh hoạt của gia đình cho phóng viên xem, ông Nguyễn Văn Be (68 tuổi, trú tại thôn Hạ Câu, xã Quốc Tuấn) nói: "Đấy, cô xem, nước trong vắt như thế này cơ mà. Nước có sạch hay không, sử dụng hàng ngày chúng tôi biết rõ nhất. Có một số người không hiểu, cho rằng doanh nghiệp vẫn lấy nước thô từ con kênh ngay bên cạnh nhà máy. Con kênh này lại thông với kênh gần các nhà máy sản xuất kim loại. Nhưng thực tế, nguồn nước được lấy từ sông Đa Độ”./.

Khải Anh

Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.