Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia
- Cập nhật: Thứ bảy, 25/12/2021 | 9:35:53 Sáng
Ngày 24/12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ trực tuyến “Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia”.
Dù vậy, các ý kiến cũng cho rằng, chính sách đầu tư chưa quy định thống nhất về nguồn vốn đầu tư (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), các hạng mục đầu tư và mức đầu tư, dẫn đến các địa phương thực hiện không nhất quán. Đặc biệt, các công trình, dự án chủ yếu hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng đệm, thiếu các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, dẫn đến đời sống người dân vẫn còn khó khăn, tác động đến tài nguyên rừng.
Theo ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, có 3 giải pháp có thể phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm vườn quốc gia và khu bảo tồn. Thứ nhất là phát triển các chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp giá trị cao và lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp và thị trường đầu ra. Với việc lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, công ty thương mại, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, các chuỗi giá trị này có thể có những tác động đáng kể về kinh tế và môi trường. Một số sản phẩm mà Helvetas đã hỗ trợ như chè, quế, hồi, dược liệu, nhựa bồ đề, cacao, rau trái vụ...
Thứ hai là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, đặc biệt tại các khu bảo tồn gần với các điểm du lịch lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình và Đà Lạt; Hỗ trợ và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở những khu vực tiềm năng, thúc đẩy hợp tác với các công ty du lịch, tạo cơ hội phát triển kinh tế và khuyến khích hoạt động bảo tồn rừng và động vật hoang dã.
Thứ ba là đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên, và người dân địa phương, gắn với giới thiệu việc làm trong các công ty ở khu vực và địa phương; cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ giáo dục nghề nghiệp địa phương để hỗ trợ các nhóm đối tượng này tìm việc hoặc thành lập các các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ trong ngành dịch vụ cũng là cách giảm áp lực đối với tài nguyên rừng, ông Phạm Văn Lương cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, KS. Phạm Vũ Ánh và ThS. Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, việc bảo tồn không thể tách rời lợi ích của cộng đồng. Để bảo vệ rừng ngập mặn, cộng đồng tham gia quản lý rừng sẽ chủ động các công việc về tuần tra kiểm soát để bảo vệ tài nguyên rừng, họ được sử dụng hợp pháp và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở dưới tán rừng được giao khoán. Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng hỗ trợ tư vấn thực hiện và hỗ trợ một phần kinh phí triển khai ban đầu; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng đối với rừng ngập mặn.
Việc các Ban quản lý rừng chủ động tạo nguồn thu ngoài ngân sách như phát triển du lịch sinh thái, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng,... để chia sẻ lợi ích với cộng đồng vùng đệm theo hướng đồng quản lý là giải pháp giúp việc bảo vệ rừng tốt hơn.
Đại diện Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ cho rằng, cần nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để hỗ trợ vùng đệm.
Có thể hướng tới việc xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; thí điểm giao rừng đặc dụng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý, gắn với bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm…, Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đề xuất./.
Bình Minh (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.