Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc: Chọn xong nhà thầu 3 gói xây lắp lớn
- Cập nhật: Thứ năm, 6/1/2022 | 9:40:56 Sáng
Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (Ban ODA Vĩnh Phúc) vừa lựa chọn xong nhà thầu thực hiện 3 gói thầu xây lắp lớn CW03, CW07 và CW08 (với tổng giá gói thầu 865 tỷ đồng) thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.
Dự án nêu trên có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng trong nước là 1.532 tỷ đồng, còn lại hơn 3.268 tỷ đồng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được triển khai từ cuối năm 2017, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của Ban ODA Vĩnh Phúc, nhà thầu trúng Gói thầu CW03 Cung cấp, lắp đặt thiết bị, xây dựng hệ thống tiêu trạm bơm Kim Xá và công trình phụ trợ của Dự án là Liên danh PECOM (Công ty CP Bơm Châu Âu) - LILAMA (Tổng công ty Lắp máy Việt Nam). Giá trúng thầu là 254,788 tỷ đồng, giảm 0,484 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,18%; thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Tại Gói thầu CW03, Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại An bị loại vì không đáp ứng cơ bản yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Liên danh Hapuma - Công ty Xây dựng Thủy lợi Hải Dương - Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu đáp ứng cơ bản yêu cầu của HSMT nhưng có giá dự thầu cao hơn so với giá chào của Nhà thầu trúng thầu.
Ngoài việc tham dự và trúng Gói thầu CW03, trong vai trò thành viên Liên danh, PECOM còn tham dự 3 lô thầu tại Gói thầu CW08. Kết quả, Liên danh PECOM - VIWASEEN (Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam) bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm xây dựng. Giá các lô thầu này đều dưới 90 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Lô1: CW08.1 Xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Liên danh SEEN - UDCC trúng thầu với giá 59,167 tỷ đồng. Tại Lô 2: CW08.2 Xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Liên danh SEEN - UDCC trúng thầu với giá 84,499 tỷ đồng. Tại Lô 3: CW08.3 Xây dựng trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, Liên danh UDCC - SWATER (Công ty TNHH Swater Kankyo) trúng thầu với giá 75,784 tỷ đồng.
Dự án sử dụng vốn ODA của WB, kết quả đánh giá HSDT các lô thầu, gói thầu đều được Nhà tài trợ thẩm định và đã thông qua kết quả lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu, dự kiến sẽ khởi công công trình trong tháng 1/2022.
Gói thầu CW07 Xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức (đoạn từ cống Sáu Vó 2 đến ĐT 303), tuyến kênh xả và nạo vét hồ Sáu Vó (giá gói thầu 378,771 tỷ đồng) của Dự án có 2 lô được đấu thầu rộng rãi, độc lập. Nhà thầu trúng Lô CW07.1 là Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam - Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn 10 - Công ty TNHH Hòa Hiệp với giá trúng thầu là 150,843 tỷ đồng. Tại Lô CW07.1, Công ty CP Thương mại và Xây dựng HPT không nộp bảo lãnh dự thầu nên HSDT không hợp lệ. 2 nhà thầu khác bị loại vì có giá dự thầu cao hơn so với giá của nhà thầu trúng thầu, gồm: Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong; Liên danh TLHD - RUDICO - LICOGI18. Nhà thầu trúng Lô CW07.2 là Liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh - Công ty CP 473 - Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa với giá trúng thầu là 210,252 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng). Là một trong hai nhà thầu nộp HSDT lô thầu này, Liên danh Minh Dũng - Thành Công - Thủy lợi có giá dự thầu cao hơn Nhà thầu trúng thầu.
Nguồn BĐT
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.