Dự án cấp nước vỡ ống dẫn 13 lần, các bên đổ trách nhiệm cho nhau
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/1/2022 | 11:05:13 Sáng
Được đầu tư 73 tỉ đồng, tiểu dự án cấp nước tưới cho 400ha cà phê ở tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành hơn 1 năm nay, nhưng chưa vận hành được vì cứ mở nước sẽ... vỡ ống.
Chiều 6-1, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết đã báo cáo các sai phạm liên quan đến tiểu dự án cấp nước tưới tại thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar). Dự án do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên (trụ sở tại Đắk Lắk) là nhà thầu thi công.
Dự án khởi công vào tháng 10-2019, đã quyết toán vào tháng 10-2020. Suốt một năm qua đường ống dẫn nước của dự án này đã vỡ đến 13 lần, mãi không khắc phục được.
Đầu tháng 1-2022, phóng viên đến đúng lúc các công nhân đang thực hiện xây dựng bổ sung các mố neo để giữ ống dẫn nước.
Theo ông Phan Hồng Hà, cán bộ kỹ thuật Công ty Kỳ Nguyên, thiết kế dự án có hơn 100 mố neo bêtông, nhưng khi dự án kết thúc vào tháng 10-2020, đơn vị mới thi công được 47 mố neo, nên bây giờ "phải thi công bổ sung cho đúng thiết kế".
Không đồng ý với cách làm này, ông Bùi Ngọc Vinh, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý dự án (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), cho rằng việc thi công bổ sung mố neo không được sự đồng ý của chủ đầu tư, vì thực hiện không theo trình tự.
"Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công thử áp trước, làm những mố neo sau cùng, nhưng họ làm ngược lại. Làm như vậy, khi thử áp chắc chắn ống sẽ vỡ. Các mố bêtông đã xây đè lên ở giữa rồi, làm sao thay ống nếu xảy ra sự cố?", ông Vinh nói.
Bà Lưu Thị Ngụ - phó giám đốc Công ty Kỳ Nguyên - thừa nhận đơn vị đã thi công thiếu một số hạng mục như mố neo bêtông, cút, chếch không đúng theo hồ sơ thiết kế, vì áp lực phải hoàn thành công trình vào tháng 10-2020.
Về nguyên nhân vỡ đường ống, bà Ngụ cho rằng là do thiết kế, lựa chọn vật liệu không phù hợp. Theo bà, đơn vị thiết kế đã lựa chọn ống uPVC, một loại ống nhựa giòn rẻ tiền, chất lượng kém nhất trong các loại ống dùng trong cấp nước. Loại ống này không phù hợp với địa hình đồi núi dốc ở Tây Nguyên.
"Công ty có sai, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ra vỡ ống dẫn nước. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp, nhưng khắc phục thì dự án phải đi vào hoạt động được", bà Ngụ cam kết.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở Nông nghiêp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận việc thiết kế dự án có thiếu sót và đang cho điều chỉnh thiết kế, bổ sung một số hạng mục.
"Nguyên nhân chính dẫn đến vỡ đường ống là nhà thầu thi công làm không đúng với hồ sơ thiết kế, chất lượng ống không tốt. Ngoài ra, đơn vị thi công khi thử áp lực đường ống chưa đạt yêu cầu đã mở nước toàn tuyến, dẫn đến đường ống liên tiếp vỡ", ông Côn đánh giá.
Nguồn TTO
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.