Nở rộ năng lượng tái tạo, quy hoạch điện VIII làm nóng họp báo Bộ Công Thương
- Cập nhật: Thứ năm, 13/1/2022 | 10:39:18 Sáng
Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ điều chỉnh tỷ lệ năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII và sớm trình Chính phủ kết luận thanh, kiểm tra việc phát triển điện mặt trời để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho biết, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 1682 ngày 26/3/2021 và Tờ trình 6217 ngày 8/10/2021.
Tuy nhiên, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050. Vì thế, thực hiện cam kết COP 26, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phục vụ hội nghị lấy ý kiến các địa phương trước khi hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý 1/2022.
Ông Hùng cho biết, Bộ Công Thương nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch Điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời và điện gió, và năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ nhỏ vì thế không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Cho nên trong Quy hoạch Điện VIII sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực với nhu cầu cả các địa phương.
Về câu hỏi Bộ Công Thương đã lập đoàn thanh kiểm tra các dự án điện mặt trời nhưng đến nay lãnh đạo Bộ Công Thương vì sao vẫn chưa ký để báo cáo Chính phủ, ông Hùng cho biết, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 185 giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và EVN rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà.
Bộ Công Thương đã kiểm tra, rà soát tại 10 tỉnh có công suất lắp đặt điện mặt trời quy mô lớn. Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện thanh, kiểm tra đợt 2. Theo kế hoạch đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra thêm 10 tỉnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến mạnh, nên đoàn kiểm tra đã tạm dừng và có thông báo đến các địa phương về việc tạm dừng kiểm tra.
"Hiện đoàn kiểm tra đã hoàn thành dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra điện mặt trời, để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã trình lãnh đạo Bộ dự thảo để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng cho hay.
Về tình hình cấp điện trong năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cũng cho biết, dự kiến, việc cung ứng điện năm 2022, về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm nếu không có các bất thường xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp có thời tiết cực đoan, một số thời điểm có thể có hiện tượng quá tải cục bộ của lưới điện ở cấp trung, hạ điện.
Bộ Công Thương cũng đã có những chỉ đạo cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan về các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng điện được an toàn, ổn định cho cả năm 2022.
Về năng lượng tái tạo, theo ông Quang, tại Quyết định 3063 của Bộ Công Thương, dự kiến trong năm 2022, nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 35,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 13% tổng nhu cầu điện của hệ thống.
Nguồn TPO
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.