Trung Quốc tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/1/2022 | 11:03:06 Sáng

Hạn ngạch khai thác sẽ được chia cho các nhà sản xuất chính của nước này.

Trung Quốc đã thiết lập hạn ngạch khai thác đất hiếm đầu tiên cho năm 2022 ở mức 100.800 tấn, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, Reuters dẫn một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc ra hôm 28/1.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) và Bộ Tài nguyên cho biết trong một tuyên bố chung, Trung Quốc cũng đặt hạn ngạch cho công đoạn nung chảy và tách đất hiếm ở mức 97.200 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hạn ngạch khai thác sẽ được chia cho các nhà sản xuất chính của nước này.

Để mở rộng quyền kiểm soát toàn cầu đối với ngành công nghiệp mà Trung Quốc đã thống trị trong nhiều thập kỷ, cuối năm ngoái, nước này đã thành lập một tập đoàn đất hiếm khổng lồ bằng cách sát nhập các công ty con của 3 tập đoàn nhà nước, gồm China Minmetals, Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Aluminium Corporation of China) và Tập đoàn Đất hiếm Cán Châu (Ganzhou Rare Earth Group), Bloomberg đưa tin.

 

Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện sẽ sở hữu 31,21% cổ phần trong tập đoàn mới, trong khi Chinalco, China Minmetals và Ganzhou Rare Earth Group sẽ nắm giữ 20,33%, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.

Được tạm gọi là "Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc”, doanh nghiệp mới này dự kiến sẽ đẩy mạnh phát triển các mỏ ở phía nam.

Bloomberg cũng đưa tin hồi tháng 9/2021 rằng Trung Quốc đang có kế hoạch tạo ra 2 gã khổng lồ khai thác đất hiếm - một ở miền bắc đất nước và một ở miền nam, với mỗi công ty tập trung vào một nhóm gồm các kim loại đất hiếm khác nhau.

 

Reuters dẫn lời chuyên gia tư vấn của CRU Group, Daan de Jonge, cho biết siêu tập đoàn mới thành lập sẽ chỉ đứng sau Tập đoàn Đất hiếm Phương Bắc Trung Quốc (China Northern Rare Earth Group) về tổng sản lượng đất hiếm, với gần 40% sản lượng đất hiếm tổng thể, và chiếm khoảng 70% hạn ngạch sản xuất đất hiếm vừa và nặng của Trung Quốc, theo hạn ngạch cho nửa đầu năm 2021.

"Điều này có nghĩa là quyền định giá cho các kim loại đất hiếm quan trọng, chẳng hạn như dysprosium và terbium, sẽ nằm trong tay siêu tập đoàn mới thành lập”, de Jonge cho biết.

Kim loại đất hiếm vừa và nặng dysprosium và terbium là nguyên liệu đầu vào chính cho nam châm đất hiếm, được sử dụng trong các sản xuất các sản phẩm quan trọng như xe điện và turbine gió.

 

Giá của cả 2 loại đất hiếm này đều tăng khoảng 50% vào năm 2021, đạt mức cao nhất trong nhiều năm khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch, trong khi cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp đất hiếm nước này.

Thế giới - Trung Quốc tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm
Trữ lượng kim loại đất hiếm ở một số quốc gia, theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Nguồn: Quartz

Kim loại đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học không hiếm nhưng khó tìm thấy ở nồng độ cần thiết. Đất hiếm cũng khó xử lý vì quặng đất hiếm thường chứa các chất phóng xạ tự nhiên như uranium và thorium.

Đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất sản phẩm như điện thoại di động, ô tô, thiết bị quân sự và thậm chí cả máy rửa bát. Các kim loại đất hiếm cũng có thể được khai thác ở Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Canada, Australia, Estonia, Malaysia và Brazil.

Tuy nhiên, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất và tinh chế đất hiếm. Nước này chiếm 58% sản lượng trên toàn thế giới vào năm 2020, giảm từ mức 86% trong năm 2014, theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Việt Nam có trữ lượng kim loại đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.


Nguồn Người Đưa Tin

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.