Tại Hội thảo trực tuyến "Bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển - Giải pháp giảm phát thải và phát triển kinh tế” vừa diễn ra, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ một số kết quả thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020. Cả nước đã thực hiện 140 dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển từ nhiều chương trình, nguồn vốn khác nhau. Qua đó, đã bảo vệ được 295.164 ha rừng ven biển, phát triển rừng với tổng diện tích trồng 22.390ha; trồng 4 triệu cây phân tán.
Rừng sú, vẹt, bần chua được phủ xanh ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Phương Trang
Ngoài trồng rừng, các địa phương đã thực hiện nhiều hạng mục công trình bảo vệ bờ biển, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng như: tu bổ đê, kè, xây dựng tường mềm chắn sóng, giữ bùn để gây bồi, tạo bãi trồng rừng và các công trình lâm sinh khác. Các chương trình, sự án cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các thành phần xã hội, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Mặc dù vậy, tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển một số nơi còn hạn chế. Nguyên nhân do vẫn còn tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, tình trạng đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Trong chi trả dịch vụ môi trường rừng cho rừng ven biển, các địa phương gặp khó khăn trong xác định phạm vi và đối tượng chi trả, mức chi trả và các cơ chế chi trả. Điều này làm hạn chế nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ rừng ven biển.
Ông Gareth Ward - Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam nhận định, nếu so sánh giải pháp bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi sóng thần và nước dâng do bão, việc phát triển diện tích rừng ngập mặn tiết kiệm chi phí gấp 5 lần so với xây dựng cơ sở hạ tầng nhân tạo. Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí CO2 tốt nhất với khả năng hấp thụ lượng carbon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới trên đất liền. Song song với việc tăng khả năng chống chịu, rừng ngập mặn còn tạo ra sinh kế và thu nhập ngắn hạn và trung hạn cho cộng đồng địa phương. "Lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, nhất là trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo” – ông Gareth Ward khẳng định.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển hiện còn rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, quỹ đất dành cho trồng rừng ven biển bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhận; tình trạng xâm lấn, phá rừng để nuôi thủy sản, chuyển đổi mô hình canh tác khác diễn ra tại nhiều địa phương; thiếu vốn đầu tư trồng rừng ven biển; các mô hình phát triển sinh kế cho người dân mới chỉ ở mức mô hình, cần làm sao để phát triển bền vững và nhân rộng ra tại nhiều địa phương…
Ông Trần Quang Bảo cho biết, để triển khai tốt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của rừng ven biển. Cùng với đó, triển khai hài hòa lợi ích của quốc gia, các hộ gia đình… trong bảo vệ rừng ven biển; nâng cao chuỗi giá trị, chuỗi sinh kế để đảm bảo lợi ích của người dân và Nhà nước.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng ven biển, có chính sách xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Song song với đó, các địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ven biển, rà soát quy hoạch sử dụng quỹ đất, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện dự án đầu tư và phát triển rừng ven biển. Các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn, xây dựng các mô hình khôi phục rừng ven biển...
Từ đó, góp phần nâng cao diện tích, chất lượng rừng, phát huy vai trò phòng hộ của rừng ven biển; thực hiện các cam kết, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo TN&MT