Đề xuất sửa luật để bảo vệ rừng Tây Nguyên

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/3/2022 | 11:48:17 Sáng

Đánh giá nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ rừng không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến rừng vẫn bị tàn phá, tỉnh Đắk Lắk đề nghị sửa đổi một số điều luật, tăng nguồn đầu tư để bảo vệ rừng Tây Nguyên

Ngày 23-3, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT tổ chức khảo sát thực tế, tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật nhằm nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.

Lương không đủ sống

Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về vấn đề trên. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc bảo vệ rừng ở Tây Nguyên có ý nghĩa phòng hộ, bảo vệ môi trường cho cả khu vực nhưng công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Cụ thể, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm như hiện nay là quá thấp so với nhu cầu thực tế, không bảo đảm công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá, xâm hại trái phép. Tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị, đề xuất Chính phủ cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm.

 
Đề xuất sửa luật để bảo vệ rừng Tây Nguyên - Ảnh 1.
Một vụ phá rừng pơ mu quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3-2022 Ảnh: THẾ HÙNG

Đặc thù của tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng khộp lớn, hơn 185.000 ha. Tháng 7-2016, thực hiện tạm dừng cải tạo loại rừng khộp nghèo khiến các công ty lâm nghiệp đã nhận hàng chục ngàn hecta rừng khộp đang rất khó khăn trong việc quản lý, sử dụng. Trong khi đó, áp lực vào rừng lớn do tình trạng người dân di cư tự do vào lấn chiếm đất rừng khó kiểm soát.

Ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), cho biết đơn vị quản lý hơn 14.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, chỉ được hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm đối với diện tích hơn 8.000 ha có rừng tự nhiên. "Tổng kinh phí hỗ trợ mỗi năm khoảng 2,4 tỉ đồng nên lương bình quân chỉ khoảng 4,3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng phải ngày đêm tuần tra, ăn ngủ trong rừng và luôn đối mặt với nguy hiểm. Thực tế rất nhiều cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc vì lương không đủ sống" - ông Tân nói.

Tăng lực lượng, quyền hạn bảo vệ rừng

 

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc giao biên chế kiểm lâm của Bộ NN-PTNT không đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Công chức kiểm lâm hiện phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, phụ trách nhiều địa bàn, có những trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 - 6 xã có rừng với diện tích hàng chục ngàn hecta rừng.

Ngoài ra, quyền hạn kiểm lâm rất hạn chế, thường xuyên bị lâm tặc tấn công. Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết các lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả, đe dọa đến tính mạng và thực tế trong thời gian qua, ở Đắk Lắk có một số người đã bị thiệt mạng khi làm nhiệm vụ. Trong khi đó, kinh phí cấp cho công tác quản lý bảo vệ rừng quá thấp. Một số đơn vị phải giảm biên chế, vay mượn để thanh toán lương và tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xảy ra ở nhiều đơn vị. Những vấn đề này dẫn đến công tác quản lý bảo vệ rừng bị buông lỏng, rừng bị xâm hại, cán bộ kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng, kể cả lãnh đạo quản lý các công ty lâm nghiệp cũng xin thôi việc, thậm chí tự ý bỏ việc. "Tỉnh Đắk Lắk đã phân tích rất kỹ thực trạng để Bộ NN-PTNT nắm rõ, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao các đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách của tỉnh Đắk Lắk để bảo vệ phát triển rừng. Bộ trưởng đã giao Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình, tham mưu tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng" - ông Dương cho biết thêm.

Xin chuyển hơn 350 ha rừng xây cao tốc

 

Tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 938 ha, trong đó đất rừng sản xuất gần 332 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 21,3 ha, trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, sớm hoàn chỉnh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.


Nguồn NLĐ

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.