Không lãng phí tài nguyên ngầm
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2022 | 10:02:54 Sáng
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, thành phố Hà Nội lần đầu tiên và cũng là đô thị đầu tiên trong cả nước, phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm.
Hệ thống không gian ngầm đồng bộ
Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15-3-2022 phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, trước đây, Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng các công trình ngầm nhưng chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu cục bộ. Đồ án quy hoạch chung không gian ngầm được phê duyệt lần này đã gắn kết với không gian trên mặt đất, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Thành phố đặt mục tiêu quy hoạch không gian ngầm không chỉ để phục vụ giao thông mà còn hướng tới các dịch vụ thương mại và văn hóa. Ngoài ra, điểm nổi trội của quy hoạch là có sự liên kết trong toàn khu vực chứ không phải xem xét cục bộ ở từng địa điểm hoặc từng lô đất.
Về thực trạng phát triển không gian ngầm của thành phố hiện nay, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh nêu, do thiếu quy hoạch, các công trình thiếu tính liên kết và khả năng kết nối với hệ thống không gian ngầm sau này. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện có cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sinh hoạt đời sống và yêu cầu phát triển của thành phố. Nhiều công trình đã cũ, quá trình cải tạo thiếu đồng bộ và gặp nhiều khó khăn.
Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến giải quyết tổng thể, đồng bộ. Theo đó, không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện được quy hoạch với tổng diện tích 756km2, độ sâu tối đa 30m. Các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe...
Đáng chú ý, đối với giao thông ngầm, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường bộ tại các nút giao thông khác mức; mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến, tổng chiều dài đi ngầm khoảng 86,5km và 81 ga. Thành phố định hướng phát triển theo mô hình TOD, tức là đô thị nén, mật độ cao xung quanh ga đường sắt đô thị; ưu tiên phát triển không gian ngầm trong công trình công cộng, trung tâm thương mại...
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Nhận định về cơ hội phát triển không gian ngầm, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, thành phố có nhiều dư địa. Tuy nhiên, so với những quốc gia có hệ thống đô thị ngầm phát triển trên thế giới, công cuộc ngầm hóa của Hà Nội đang ở giai đoạn bắt đầu. Trong lĩnh vực này, Hà Nội còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, lập quy hoạch, trình độ kỹ thuật... Đáng chú ý, hiện nay nước ta chưa có hệ thống luật quy định chi tiết về không gian ngầm. Bởi vậy, theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, cần phải có quy định cụ thể hơn nữa về quyền sở hữu không gian dưới mặt đất, từ đó tháo gỡ những nút thắt cho các công trình ngầm, tạo cơ hội phát triển không gian ngầm và mở đường cho phân khúc bất động sản mới.
Cùng góc nhìn này, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu, để phát huy giá trị của đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt, rất cần sự điều chỉnh, hoàn thiện các cơ sở pháp lý có liên quan, cụ thể là tập trung xem xét đến quyền khai thác, sử dụng không gian ngầm. "Việc quản lý hệ thống không gian ngầm để vừa tạo ra tiềm năng mới về giao thông, dịch vụ thương mại nhưng vẫn phải bảo đảm môi trường và chống tác động của biến đổi khí hậu”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Để hoàn thành quy trình phê duyệt, quản lý đồ án theo đúng Luật Quy hoạch đô thị và nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại Quyết định số 913/QĐ-UBND, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin, trước mắt, Sở sớm hoàn tất việc kiểm tra, xác nhận hồ sơ đồ án quy hoạch phù hợp với quyết định phê duyệt của UBND thành phố, đồng thời phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và UBND các quận, huyện có liên quan công bố công khai nội dung đồ án được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân; bàn giao hồ sơ đồ án được duyệt cho các cơ quan có liên quan để lưu trữ, quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư công trình theo quy hoạch.
Thời gian tới, trọng trách lớn được đặt ra cho các đơn vị, sở, ngành, UBND các quận, huyện của thành phố. Tuy nhiên, với tinh thần tiên phong của đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ có đà đẩy nhanh công cuộc ngầm hóa đô thị, mang lại những không gian phát triển mới cho Thủ đô.
Nguồn HNM
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.