An Giang chủ động trong công tác bảo vệ rừng
- Cập nhật: Thứ hai, 28/3/2022 | 3:06:15 Chiều
Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2022, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn nghiệp vụ cần tập trung đề cao cảnh giác
Do đó, để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trong thời gian cao điểm mùa khô năm 2022, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn nghiệp vụ cần tập trung đề cao cảnh giác, luôn đặt lực lượng trong tình trạng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm An Giang, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCC rừng xây dựng lịch ứng trực hàng ngày tại đơn vị. Trong những ngày cuối tuần và ngày lễ phải bảo đảm 100% lực lượng có mặt tại đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên - Châu Đốc Chau Si Na cho biết: "Thời điểm này, chúng tôi đang tập trung tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, cũng đẩy mạnh tuyên truyền các hộ dân có đất canh tác ven rừng không đốt lửa, dọn rẫy trong thời điểm mùa khô nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm phối hợp công an, quân sự và Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy ở huyện Tịnh Biên là núi Phú Cường (xã An Nông), đồi Kakô, khu vực Latina trên núi Cấm… để chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng”.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm An Giang yêu cầu tạm ngừng các hoạt động trong rừng, như: Chặt cây, tỉa thưa rừng, lấy thuốc nam… Các hạt kiểm lâm liên huyện đã chủ động trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh để kịp thời thông báo và hướng dẫn khách du lịch, hành hương không đi vào một số khu vực, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp các ngành liên quan trong công tác PCCC rừng mùa khô năm 2022, Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung đề cao cảnh giác, luôn đặt lực lượng trong tình trạng sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc các phương án PCCC rừng năm 2022.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra dụng cụ, phương tiện và hợp đồng thêm nhân lực làm nhiệm vụ bảo vệ và PCCC rừng mùa khô năm nay. Ngoài ra, đã bố trí 6 máy chữa cháy công suất lớn, 15 máy chữa cháy bơm nổi 5,5-6 HP, 17 máy chữa cháy đồi núi, 74 máy chữa cháy đeo vai, 10 máy thổi gió đeo vai, 3 máy thổi gió cầm tay, 198 cuộn cây chữa cháy đồng bằng, 40 cuộn dây chữa cháy đồi núi, 7 thùng nhựa 120 lít, 2.410 can nhựa 10 lít, 228 thùng nước tưới và các dụng cụ hỗ trợ khác cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang Thái Văn Nhân, với sự cố gắng của lực lượng làm nhiệm vụ PCCC rừng, trong 3 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quản lý không xảy ra cháy rừng. Đây là động lực để lực lượng làm nhiệm vụ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra.
Dương Diễm (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam
Các tin khác
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.
Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...
Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.
Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.