Xây dựng nền tảng vững chắc cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên tại Trung Trường Sơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2024 | 3:51:21 Chiều

Xây dựng chiến lược và thực hiện các các giải pháp dựa vào thiên nhiên có tác động tích cực đến khí hậu, con người và vùng cảnh quan.

WWF-Việt Nam đã phối hợp với WWF-Hoa Kỳ và WWF-Đan Mạch tổ chức Hội thảo tham vấn "Giải pháp dựa vào thiên nhiên cho sự phát triển bền vững của Trung Trường Sơn” nhằm giới thiệu, chia sẻ, thảo luận về tiềm năng, chiến lược phát triển với các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) ở Trung Trường Sơn trong thời gian tới. Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu bao gồm đại điện của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT của một số tỉnh thành tại Trung Trường Sơn, các tổ chức tài chính, các tổ chức xã hội và các tổ chức bảo tồn đang thực hiện các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.


Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) - © WWF-Việt Nam

Đây là một phần hoạt động của Nền tảng Khởi tạo các Giải pháp dựa vào Thiên nhiên (NbS-OP). Nền tảng này là một sáng kiến mới của WWF nhằm xây dựng một hình mẫu về quy mô đầu tư cho các giải pháp NbS có chất lượng và tính toàn vẹn cao, đem lại những tác động tích cực trên diện rộng lên khí hậu, thiên nhiên và con người tại các cảnh quan rừng nhiệt đới. Tại Việt Nam, WWF hiện đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT để huy động các nguồn lực từ khối công và tư cũng như các đối tác liên quan khác nhằm hỗ trợ thực hiện NbS hiệu quả ở cấp độ cảnh quan.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biêt: "Các dải rừng nằm ở vùng sinh thái Trung Trường Sơn, đặc biệt là 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có vai trò hết sức quan trọng về an ninh môi trường cũng như đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Tuy nhiên trên bình diện của cả nước hiện nay thì diện tích rừng tự nhiên và chất lượng rừng bị giảm sút khiến cho mất mát về đa dạng sinh học đã xảy ra. Tác hại của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây đã hiện diện rất rõ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung Việt Nam. Năm 2020-2021 đã xảy ra các trận sạt lở đất ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gây tổn thất nặng nề về con người và cơ sở hạ tầng. Vì thế trong những năm gần đây, chính quyền của các địa phương trong đó có Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến hoạch định chiến lược phát triển kinh tế dựa trên lý thuyết căn bản về thuận thiên. Đó là Con người - Thiên nhiên - Khí hậu”.

Thực vậy, để giải quyết cuộc khủng hoảng suy giảm đa dạng sinh học, NbS được xem là hướng đi tối ưu và phù hợp nhất. Tại hội thảo, bà Kerry Cesareo, Phó chủ tịch cấp cao Chương trình Rừng, WWF-Hoa Kỳ đã chia sẻ về cách tiếp cận chiến lược và toàn diện của NbS-OP, được phát triển với hai chức năng chính: Bên "cung” xây dựng chiến lược và thực hiện các các giải pháp dựa vào thiên nhiên có tác động tích cực đến khí hậu, con người và vùng cảnh quan; Bên "cầu” xây dựng các mô hình phù hợp để huy động tài chính giúp thực hiện các giải pháp can thiệp đó. 

Trong giai đoạn đoạn đầu triển khai NbS-OP, WWF đã xác định 4 tỉnh ưu tiên của Trung Trường Sơn, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Mục tiêu của NbS-OP được phát triển dựa trên tiềm năng tại bốn tỉnh, đồng thời phù hợp với định hướng và quy hoạch của các tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hai chương trình đầu tiên được định hướng thực hiện bao gồm: (1) Bảo vệ và phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở các khu vực được ưu tiên và có giá trị đa dạng sinh học bao gồm vườn quốc gia, khu bảo tồn, các rừng phòng hộ, và cộng đồng liên quan; và (2) Cải thiện và nâng cao năng lực quản lý rừng sản xuất và phát triển chứng chỉ rừng bền vững của đối tượng hộ/nhóm hộ gia đình và công ty lâm nghiệp. Tất cả các hoạt động liên quan đến 2 chương trình nói trên đều gắn liền với mục tiêu phát triển sinh kế cho cộng đồng. 

Bên cạnh đó, WWF-Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ Hội thảo quốc gia "Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức vào tháng 3 năm nay, cũng như các kinh nghiệm xây dựng, quản lý và vận hành NbS của WWF trên toàn cầu. Các phiên thảo luận cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, đáp ứng mong đợi của Hội thảo nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện chiến lược phát triển vùng cảnh quan Trung Trường Sơn và các chương trình tiềm năng sắp tới.

Đại diện WWF-Việt Nam, ông Thibault Ledecq, Giám đốc Bảo tồn cho rằng: "Hội thảo này là cơ hội quý giá để tất cả các bên trao đổi và xây dựng những bước đi vững chắc cho NbS (Giải pháp dựa vào thiên nhiên) – một nền tảng cần thiết cho sự phát triển bền vững của cảnh quan Trung Trường Sơn trong tương lai. WWF sẽ luôn làm việc và hợp tác với các bên liên quan để phát triển các mô hình NbS phù hợp và toàn diện không chỉ cho ngành lâm nghiệp mà còn tiếp tục nghiên cứu tiềm năng ở các khu vực ven biển, đầm phá và vùng đất ngập nước; đồng thời huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình NbS hiệu quả trên quy mô lớn". 

NGỌC HÀ

  •  
Các tin khác

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.

Rừng ngập mặn Nam Trung Bộ suy kiệt khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản ven bờ nhiều địa phương bị mất dần.

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.