Câu chuyện kinh tế tuần hoàn nhìn từ quy định chất thải rắn sinh hoạt

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/6/2024 | 4:34:25 Chiều

Thực hiện phân loại rác tại nguồn cùng với chính sách về định mức kinh tế trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Như vậy chỉ còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại 2 dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng trong việc giải quyết vấn đề chất thải rắn sinh hoạt và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này tại Việt Nam

Thu không đủ bù chi

Ông Nguyễn Thành Lam - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước vào khoảng trên 67 nghìn tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng trên 38 nghìn tấn/ngày.

Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và câu chuyện định mức kinh tế


Hiện có khá nhiều thách thức trong thu gom, vận chuyển và xử lý bởi CTRSH chưa được phân loại tại nguồn (Ảnh minh họa: Cấn Dũng)

Theo ông Nguyễn Thanh Lam cho biết, hiện nay có khá nhiều thách thức trong thu gom, vận chuyển và xử lý bởi CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, tại nhiều khu vực nông thôn dịch vụ thu gom, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt, tại khu vực miền núi thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu…đã gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.

Là một trong những đô thị lớn của cả nước, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng, bà Đào Thu Huyền – Phó phòng Quản lý chất thải rắn chia sẻ: Hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023).

Tuy nhiên khó khăn được bà Huyền chỉ ra đó là, công nghệ xử lý còn đơn điệu, chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh, đối mặt với sự quá tải, nguy cơ ô nhiễm cao. Cùng với đó, chưa khai thác được các lợi ích kinh tế từ rác thải.

"Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi; Công nhân thu gom tại nông thôn thu nhập thấp, chưa được quan tâm."- bà Huyền nhấn mạnh.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch cho hay: Hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện.

Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại... Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).

Không chỉ khó khăn với các địa phương, ngay cả những đơn vị thực hiện thu gom cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Hoàng Lân- Công ty Cổ phần Nước- Môi trường Bình Dương cho biết: Hiện chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao. Phí sử dụng lao động và phí vệ sinh thu được không đáp ứng được yêu cầu chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, trong khi đó 100% chi phí xử lý là do nhà nước chi trả.


Hiện 100% chi phí xử lý là do nhà nước chi trả (Ảnh minh họa: Cấn Dũng)

Việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay đang thực hiện theo cơ chế đấu thầu, tuy nhiên nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có nhân lực và năng lực tài chính hạn chế, nhất là lực lượng thu gom rác thải dân lập từ hộ dân, gia đình… chưa thể đầu tư nâng cấp phương tiện, thiết bị đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường để phù hợp với việc thu gom rác thải sinh hoạt sau phân loại và tham gia đấu thầu.

Nhiều hạng mục không có trong dự thảo thông tư

Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Dự thảo Thông tư được nhiều doanh nghiệp đánh giá là phù hợp với nguyên tắc, quy định đã ban hành tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên còn nhiều hạng mục, nội dung công việc hiện vẫn đang được các công ty môi trường thực hiện nhưng lại không có định mức trong dự thảo Thông tư.

Ông Đỗ Duy Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Giao thông, môi trường và Đô thị Chí Linh (Hải Dương) cho biết: Hàng ngày công nhân của chúng tôi vẫn phải quét và thu gom rác ở khu vực công cộng như đường phố, vườn hoa, công viên (theo Quyết định 592/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/5/2014) tuy nhiên hạng mục này không có trong dự thảo thông tư.


Rác thải công cộng theo dự thảo thông tư sẽ không có định mức thu gom, vận chuyển, xử lý (Ảnh: Thu Hường)

Liên quan đến 2 dự thảo trên, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Hạng mục "Duy trì, làm sạch vệ sinh môi trường” cũng không có trong dự thảo thông tư. Việc không ban hành các quy trình này dẫn đến không có định mức cho công tác lập dự toán, thanh quyết toán, nghiệm thu đối với các hạng mục này, đây là một trong những thành phần công việc phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường.

Đối với các mã quy trình liên quan đến công tác xử lý CTRSH sau phân loại, ông Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, chỉ nên đưa các công nghệ thực sự điển hình. Không mô tả quá chi tiết cho chủng loại máy móc, công nghệ xử lý. Cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét việc ban hành các suất đầu tư tương ứng với các loại công nghệ tái chế và công nghệ xử lý phù hợp với thành phần chất thải của Việt Nam; Ban hành thêm quy trình công nghệ điển hình xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển chất thải.

Ngoài ra, cần bổ sung sử dụng thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công nhân thủ công thực tế các địa phương đang sử dụng và có hiệu quả đặc biệt là trong khu vực ngõ ngách sâu, khu vực nông thôn, địa phương vùng núi, cụ thể là các loại xe 03 bánh.

‘Bên cạnh đó, dự thảo thông tư chỉ đưa ra cột giá trị định mức, không có thuyết minh tính toán định mức chi tiết để nghiên cứu và đánh giá sự phù hợp với thực tế vận hành.’- ông Tiến cho hay.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải- Chủ tịch Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam, tại Việt Nam rác thải rất nhiều trong khi chúng ta nhập hàng triệu tấn rác để sản xuất. Chúng ta đang có lỗ hổng lớn từ đầu vào cho đến đầu ra, chính vì vậy các nhà sản xuất của Việt Nam mua rác phân loại ở nước ngoài về để chế biến, một số cơ sở tái chế nhưng lại thiếu chỗ tiêu thụ sản phẩm tái chế, như vậy thiếu hẳn một có chế thị trường, ngành công nghiệp môi trường mãi không lớn lên được.

Thu Hường/Tạp chí Công thương

  •  
Các tin khác

Nhân dịp kỉ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 22/6, Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, UBND xã Giao An tổ chức trao nhà tình nghĩa cho hộ Chị Lê Thị Hòa, Chiềng Nang, Giao An, Lang Chánh, Thanh Hoá

Việc phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính đang được Bộ NN&PTNT và các địa phương tích cực triển khai để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COOP 26 về biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nhận thức được tác hại của rác thải đối với môi trường, phong trào xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái” được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Tĩnh nhân rộng và trở thành điểm sáng ở các khu dân cư. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, chung sức xây đô thị văn minh, nông thôn mới”.

Chế phẩm vi sinh IMO được điều chế bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu tư nhiên rồi lên men, tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tồn tại trong môi trường tự nhiên, có hoạt tính sinh học cao.