Tây Nguyên khô hạn, gian nan tìm nước cho 2 triệu ha cây trồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/4/2020 | 9:09:21 Sáng

Những năm gần đây, Tây Nguyên liên tiếp trải qua những mùa khô hạn khốc liệt, hàng trăm nghìn ha cây trồng bị thiệt hại, hàng vạn hộ dân lao đao vì hạn. Vấn đề đảm bảo nguồn nước để phát triển bền vững cây trồng ở Tây Nguyên càng trở nên cấp thiết khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực sản xuất nông nghiệp, ngành kinh tế chủ lực ở khu vực.

gian nan tim nuoc chong han o tay nguyen hinh 1
Đào  hố, tận dụng nguồn nước cuối cùng cứu cây cà phê.

Giữa nắng gay gắt của mùa khô, 3 người trong gia đình anh Lương Văn Dục, thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk hì hục đào hố, khơi dòng để có thể tận dụng nguồn nước cuối cùng ở con suối cách nhà hơn 1,5 km, cứu vườn cà phê hơn 600 cây đang dần chết khô vì hạn. Trong khi giếng đào, giếng khoan trong vườn đều đã hết nước, việc tìm nước ở suối là giải pháp cuối cùng. Và nếu không có đủ nước tưới, vườn cà phê nhà anh Dục đành phải phó mặc cho trời.

"Chắc chắn là phải lo rồi, bởi vì nước càng ngày càng cạn kiệt. Nhiều nhà giờ cũng đang thiếu nước, ít người có giếng khoan. Mà hiện tại có giếng khoan thì cũng đã cạn cả rồi. Tình trạng này thì chắc còn hạn hơn năm ngoái nữa. Bây giờ không biết phải trồng cây gì để phù hợp với đất này”, anh Dục cho biết.

Cách xã Ea Đăh khoảng 100km, bà con ở xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cũng đang khốn khổ tìm cách cứu hạn cho cây trồng. Ông Đinh Văn Dũng, ở thôn 1, xã Đắk Wil cho biết, vườn cà phê và hồ tiêu 1,5ha của gia đình ông mới chỉ tưới được 2 đợt thì giếng đã cạn nước. Ông đang thuê người đào thêm cái giếng khác, sâu đến hơn 15m, tốn hàng chục triệu đồng mà vẫn chưa thấy nước đâu. Trong khi gia đình ông nỗ lực đào giếng, tìm nước thì vườn cà phê, hồ tiêu đang dần khô héo. Đầu tư tìm nước như canh bạc mà người nông dân như ông Dũng phải chấp nhận rủi ro, có thể tiền vẫn mất mà cây vẫn chết khô.

"Tìm nước cứu cây, bà con chỉ có cách là đào giếng. Nhưng mà đào giếng cũng rất khó vì vùng này nhiều đá nên rất là khó khăn, cũng giống như là đánh bạc với ông trời vậy may thì có nước, không may thì cây chết hết", ông Dũng nói.

Nhiều năm qua khô hạn đã diễn ra ở hầu khắp Tây Nguyên, tìm nước cứu hạn cho cây trồng như một cuộc chiến khốc liệt. Nước mặt trơ đáy, nước ngầm cũng ngày càng cạn kiệt và nước mắt lại tuôn rơi, đó cũng là điều mà những người nông dân như ông Nguyễn Văn Phương, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, mỗi khi bỏ tiền khoan giếng tìm nước nhưng thất bại: "Bỏ tiền ra mà không có nguồn nước thì tiền mất, tật mang. Bây giờ 50 triệu, 100 triệu mà có nước tôi vẫn làm. Nhưng giếng khoan cũng không có nước".

gian nan tim nuoc chong han o tay nguyen hinh 2
Nước mặt trơ đáy, nước ngầm cạn kiệt, nước mắt nông dân Tây Nguyên tuôn rơi.
 
Không chỉ bà con nông dân, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, mặc dù có điều kiện về nhân lực, vật lực cũng gian nan chống hạn cho cây trồng. Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Blan, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có gần 500ha cà phê. Mặc dù khu vực vườn cây của công ty có suối, có hồ thủy lợi nhưng liên tiếp từ năm 2016 tới nay, nguồn nước không đủ để tưới trong mùa khô.

Ông Hồ Xuân Hoài, Đội trưởng Đội 2, Công ty Cà phê Ia Blan cho biết, năm nay diện tích cà phê của đội chỉ tưới được 2 đợt, đến cuối tháng 2 thì gần như hết nước. Vườn cà phê của đội đang khô héo và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng vườn cây."Cơ bản chỉ có tưới được lần 1, lần 2, tức là thời điểm tháng 1, tháng 2  còn có nước tưới. Chứ sang tháng 3, tháng 4 thì nước phục vụ tưới cho cây trồng, cho lô cây cà phê thiếu. Từ đó dẫn đến là vườn cây xuống cấp, mà khi đã xuống cấp thì sản lượng vườn cây bị tụt đi".

Với 2 triệu ha đất bazan, Tây Nguyên được đánh giá là vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước với những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su và gần đây là một số loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít. Nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở khu vực cũng đang gặp phải không ít khó khăn do khô hạn, thiếu nước tưới trong mùa khô.

Ông Phan Việt Hà, Phó viện trưởng trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nhận định, ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực những năm gần đây đã ở mức rất nghiêm trọng. "Trong vài năm vừa qua ở Tây Nguyên, tình trạng hạn hán đã diễn ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của vùng rất nghiêm trọng.  Hiện tại thì tình trạng biến đổi khí hậu thì càng thấy rõ. Mà rõ nhất là việc lượng nước mưa giảm sút, và mùa khô nắng nóng rất khắc nghiệt. Từ đó dẫn đến tình trạng hạn nặng như ở Tây Nguyên".

Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên vốn đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thị trường, nay lại càng thêm khó khăn khi biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, mùa khô hạn đang ngày một khốc liệt.

Sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đang khó khăn vì khô hạn là vậy nhưng lại đang tồn tại nhiều nghịch lý về các công trình hồ chứa. Sản xuất nông nghiệp gặp khó ngay cả khi ở bên cạnh những công trình chứa nước khổng lồ. Khô hạn diễn ra ở ngay cạnh những công trình vốn có thể cung cấp một lượng rất lớn nguồn nước phục vụ sản xuất. Bất cập ở đâu, vấn đề trong quy hoạch, phát triển và quản lý các công trình hồ chứa ở Tây Nguyên là gì sẽ là nội dung trong bài 2 của loạt bài Tây Nguyên đối mặt với khô hạn với nhan đề: "Khát khô bên những công trình chứa nước khổng lồ”./.

Theo CÔNG BẮC/VOV-Tây Nguyên

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.