Bộ TN-MT: Các hồ, đập cần đảm bảo điều tiết nguồn nước trong mùa cạn

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/4/2020 | 3:21:13 Chiều

Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý với phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả qua nhà máy thủy điện Cửa Đạt (xả khoảng 35 m3/s) và Nhà máy thủy điện Dốc Cáy (xả khoảng 10m3/s).

Bo TN-MT: Cac ho, dap can dam bao dieu tiet nguon nuoc trong mua can hinh anh 1
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Để cân đối nguồn nước vận hành phát điện và đảm bảo dòng chảy phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân ở phía hạ du, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chủ một số hồ, đập trên địa bàn hướng dẫn việc vận hành điều tiết nguồn nước trong thời gian còn lại của mùa cạn.

Theo đó, sau khi nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh và chủ các hồ đập về việc điều tiết nước hồ Cửa Đạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý với phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả qua nhà máy thủy điện Cửa Đạt (xả khoảng 35 m3/s) và Nhà máy thủy điện Dốc Cáy (xả khoảng 10m3/s).

Tuy nhiên, để bảo đảm cân đối nguồn nước còn lại của các hồ để cấp đủ cho hạ du sông Chu từ nay đến hết mùa cạn (30/6/2020) trong điều kiện nguồn nước đang thiếu hụt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan và các đơn vị sử dụng nước trên lưu vực sông Chu rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước dưới hạ du các hồ.

Các sở, ban, ngành, địa phương và chủ các hồ đập thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ chứa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc lấy nước của các công trình khai thác, sử dụng nước trên sông và việc thực hiện quy trình của các đơn vị quản lý, vận hành hồ.

Đối với chủ hồ Cửa Đạt, từ nay đến hết mùa cạn, mỗi ngày được phép xả nước xuống hạ du sông Chu với lưu lượng tương đương 35 m3/s và xả nước qua nhà máy thủy điện Dốc Cáy với lưu lượng tương đương 10 m3/s.

Bo TN-MT: Cac ho, dap can dam bao dieu tiet nguon nuoc trong mua can hinh anh 2
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong quá trình vận hành, chủ hồ Cửa Đạt dựa trên cơ sở các quy định của quy trình, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nước, yêu cầu sử dụng nước thực tế của hệ thống và ở hạ du để chủ động gia tăng lưu lượng xả của hồ cho phù hợp.

Ngoài ra, chủ hồ Cửa Đạt chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy thủy điện Hủa Na, Cửa Đạt, Dốc Cáy, Bái Thượng và các địa phương có liên quan trong quá trình điều tiết nguồn nước hồ Cửa Đạt, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.

"Việc điều tiết nước phát điện của các nhà máy thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy và Bái Thượng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn nước của các hồ chứa, phù hợp với yêu cầu sử dụng nước thực tế trên lưu vực và phải ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp,” công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Đối với các chủ hồ Hủa Na, Đồng Văn và Xuân Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị vận hành theo đúng quy định tại Điều 16 và Điều 18 của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã.

Bộ cũng yêu cầu chủ hồ Hủa Na phải phối hợp chặt chẽ với chủ hồ Cửa Đạt để gia tăng lưu lượng xả và bổ sung nước cho hồ Cửa Đạt trong trường hợp xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cấp cho hạ du.

Trong quá trình vận hành nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị phía địa phương và các chủ hồ phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời hướng dẫn, xử lý./.

Theo HÙNG VÕ/Vietnam+

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.