Tiếp tục cảnh báo sạt lở nguy hiểm

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2020 | 9:28:56 Sáng

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn quốc gia, xu thế thời tiết, thủy văn trong những tháng đầu năm 2020 khu vực Nam Bộ và tỉnh An Giang tiếp tục có những diễn biến bất thường. Lượng mưa có xu hướng thiếu hụt, mực nước thượng lưu sông Mekong xuống dần và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp. Đặc biệt, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn, do ảnh hưởng thời tiết và việc tích trữ các đập thủy điện trên sông Mekong...

Với tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn bất thường nên khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực hạ nguồn là rất cao, nhất là các đoạn sông được cảnh báo mức độ rất nguy hiểm. Hiện, toàn tỉnh có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn rất nguy hiểm.

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện và xã tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay và giải pháp lâu dài.

Sở TN&MT tiếp tục theo dõi, quan trắc, khảo sát các đoạn sông xảy ra sạt lở để kịp thời cảnh báo chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án chỉnh trị dòng chảy (khu vực sông Hậu, đoạn Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú; khu vực xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu; khu vực nhánh sông Tiền qua xã Kiến An và xã Long Điền A, Chợ Mới).

Khu vực sạt lở nguy hiểm ở xã Vĩnh Trường (An Phú)

Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp hỗ trợ các địa phương rà soát, khảo sát, thiết kế, gia cố hoặc khảo sát tuyến thay thế các tuyến đường giao thông có nguy cơ hoặc sạt lở nguy hiểm trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học khảo sát chi tiết các đoạn đã cảnh báo sạt lở đề xuất các giải pháp công trình để gia cố hạn chế sạt lở, như: thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng… Triển khai hiệu quả "Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp”, quy chế phối hợp ứng phó, đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố sạt lở xảy ra.

Về giải pháp lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sở TN&MT tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở. Phối hợp các địa phương khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở (ngoài khu vực Châu Phong đã triển khai), chú ý phối hợp UBND cấp huyện chấn chỉnh và siết chặt, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. Các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép thì đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo huyện, xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn. Phối hợp chặt chẽ Sở Khoa học và Công nghệ triển khai và thực hiện "Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang”.

Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp; quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ; phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở và phục vụ cho địa phương lập quy hoạch dân cư, giao thông. Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm, tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Sở Xây dựng tham mưu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hỗ trợ địa phương xây dựng tiêu chí và quy chế quản lý xây dựng, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch. Khẩn trương phối hợp Sở NN&PTNT, Sở TN&MT và các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở.

UBND cấp huyện phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Bám sát các dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để thường xuyên tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; thông báo ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình trong khu vực cảnh báo sạt lở…

Theo HỮU HUYNH/Báo An Giang

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.