Cả nước có 1.645 hồ chứa thủy lợi thiếu khả năng xả lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/7/2020 | 2:29:30 Chiều

Mưa lũ ở Trung Quốc khiến nỗi lo thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra tại Việt Nam trở nên hết sức đáng lo ngại, đặc biệt đối với hệ thống hồ chứa thủy lợi đang xuống cấp tại nhiều địa phương.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước đã xây dựng được 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, 419 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182km.
Sự cố xảy ra tại đầm Thìn (Phú Thọ) hồi tháng 6/2020
 Tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, hàng năm cấp 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, được phân bổ tại 45 tỉnh, TP trên cả nước. Đa phần các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn.
Để bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 900 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 16.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh tổng kinh phí 500 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 84 hồ chứa.
Mặc dù đã được Chính phủ, các bộ ngành và UBND tỉnh, TP đặc biệt quan tâm, đầu tư, tuy nhiên thống kê đến nay, cả nước vẫn còn 1.645 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ. Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ. Đây chủ yếu là những hồ được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp.
Đánh giá cho thấy, các dạng hư hỏng chính thường gặp đối với đập đất là không đủ mặt cắt, trượt sạt mái thượng hạ lưu, lớp gia cố bị hỏng, nứt thân đập, thấm qua thân và nền đập gây xói ngầm, có tổ mối trong thân đập. Đối với hệ thống cống lấy nước, thân cống bị hư hỏng, mục ruỗng, mang cống bị thấm, hư hỏng tiêu năng sau cống. Tràn bị hư hỏng thân, bể tiêu năng, thiếu khả năng xả lũ.
 
Theo Lâm Nguyễn/KTĐT
  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.