Bình Dương: Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/8/2020 | 10:16:52 Sáng

Trong những năm qua, Bình Dương đã có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng hợp lý, hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân và sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn nước bảo đảm sinh hoạt, sản xuất
 
Tính đến nay, hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh cơ bản triển khai theo quy hoạch cấp nước vùng đã được phê duyệt, mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho các đô thị. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,62% (trung bình cả nước dự kiến đạt 88% năm 2019, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 99% năm 2020). Bên cạnh đó, hiện Bình Dương chưa triển khai lập quy hoạch chuyên ngành cấp nước (do chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương). Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh thực hiện theo các đồ án quy hoạch được duyệt (quy hoạch chung đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch phân khu, quy hoạch xã nông thôn mới).
 
Hiện toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp nước sạch. Trong đó, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương có 7 nhà máy cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn, tổng công suất thiết kế 450.000m3/ngày đêm, nước ngầm dự phòng 20.000m3/ ngày đêm, hiện đang vận hành 460.000m3/ngày đêm. Nguồn nước thô sử dụng chủ yếu từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, hồ Phước Hòa và nước ngầm tại chỗ với tổng chiều dài tuyến ống là 4.100km và 260.000 đấu nối. Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án cấp nước Dĩ An, khu liên hợp, Nam Thủ Dầu Một và Nam Thủ Dầu Một mở rộng, Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước, Khu công nghiệp Bàu Bàng... Bình Dương đang tiếp tục chuẩn bị đầu tư dự án cấp nước Bắc Bình Dương công suất 1.000.000m³/ngày đêm; đường ống phân phối nước sạch từng bước đầu tư phủ kín phục vụ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, tỷ lệ thất thoát nước giảm từ 30% xuống < 6%.


 
Bên cạnh đó, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn (viết tắt là Trung tâm) đang quản lý, vận hành 31 công trình cấp nước sạch tập trung và nối mạng nông thôn thuộc 30 xã trên địa bàn 5 huyện, thị xã của tỉnh. Huyện Dầu Tiếng có 12 công trình, Phú Giáo có 10 công trình, Bắc Tân Uyên có 6 công trình, TX.Tân Uyên 2 công trình và huyện Bàu Bàng 1 công trình. Tổng công suất thiết kế 28.516m3/ngày đêm, trong đó có 3 công trình khai thác sử dụng nguồn nước mặt, 28 công trình sử dụng nguồn nước ngầm, cung cấp nước sinh hoạt cho 40.000 hộ dân nông thôn. Ngoài ra, Công ty Cổ phần nước Thủ Dầu Một sản xuất và bán nước sạch sau nhà máy cho Công ty Cổ phần nước - Môi trường Bình Dương khoảng 160.000m³/ngày đêm.
 
Tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn nước
 
Để thực hiện công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện điều tra cơ bản để phục vụ quản lý tài nguyên nước. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2035; ban hành danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước luôn được tỉnh chútrọng. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 36 công trình quan trắc nước dưới đất. Để mở rộng phạm vi quan trắc, đánh giá chính xác, kịp thời, trong năm 2020 tỉnh tiếp tục xây dựng 18 công trình quan trắc nước dưới đất; các giếng đều được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và truyền kết nối dữ liệu về Trung tâm Quan trắc để được theo dõi thường xuyên, kịp thời đánh giá diễn biến động thái nước dưới đất; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư có khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô lớn hơn 200m3/ ngày phải lắp thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu về Trung tâm Quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường.
 
Về nước mặt, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện 34 điểm quan trắc nước mặt trên toàn tỉnh nhằm đánh giá hiện trạng, xem xét diễn biến xu hướng chất lượng môi trường nước mặt trên các sông, rạch, các chi lưu của hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn chảy qua địa phận Bình Dương. Định kỳ thực hiện quan trắc 1 lần/tháng với các chỉ tiêu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng nước mặt.
 
Ngoài ra, tỉnh triển khai điều tra, đánh giá tác động những nguồn có khả năng gây ô nhiễm chất lượng nước dưới đất và đề xuất giải pháp bảo vệ; điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu tải và dự báo chất lượng nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn tỉnh; kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, tỉnh thực hiện lập phương án bảo vệ tài nguyên nước để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Song song đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thực hiện quy định pháp luật tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước bằng nhiều hình thức.

 Nguồn tin: Báo Bình Dương

  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.