Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước: Đánh giá khả năng tiếp nhận và chịu tải nguồn nước mặt

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/7/2021 | 10:03:22 Sáng

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số địa phương trên địa bàn đã ở mức báo động, đặc biệt, một số con suối, hồ, ao có lưu lượng nước thải chảy vào đang đứng trước nguy cơ vượt khả năng tự làm sạch. Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng thực hiện Dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của hệ thống sông, suối, ao, hồ nhằm kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước mặt.

Ngay tại cửa ngõ đi vào trụ sở UBND thị trấn Yên Sơn (xã Thắng Quân cũ), dù vừa qua đợt mưa lớn hồi đầu tháng 7 nhưng không thể "gột sạch” lòng suối. Những tải rác đầy ứ, những túi nilon chứa rác vẫn ứ lại. Một người dân sống gần khu vực suối bức xúc, không chỉ nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi được xả vào dòng suối, tình trạng rác thải sinh hoạt, túi nilon, thậm chí là phế liệu xây dựng cũng được những người thiếu ý thức trút xuống.  
truyen-thong-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-tai-nguyen-nuoc-danh-gia-kha-nang-tiep-nhan-va-chiu-tai-cua-nguon-nuoc-mat-1
Con suối chảy qua địa phận thôn Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) bị ô nhiễm vì chất thải chăn nuôi.
Cũng trên địa bàn huyện Yên Sơn, tại hồ thủy lợi Hố Chẹo, với diện tích 6 ha thuộc địa bàn xã Nhữ Hán chất thải chăn nuôi của một số hộ dân sống quanh khu vực cũng đang dồn xuống ngày một nhiều nếu không có biện pháp ngăn chặn, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hoàn toàn có thể xảy ra. Anh Vũ Văn Huệ, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã Nhữ Khê cho biết, ban đã yêu cầu các hộ dân xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh trước khi xả xuống lòng hồ. Tuy nhiên, việc thực hiện là rất khó do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hệ thống xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi chưa thực sự đảm bảo.
Không riêng tại Yên Sơn, tại các địa phương trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên tình trạng rác thải, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý bà con vẫn xả thẳng vào nguồn nước tự nhiên. Ông La Văn Oai, Trưởng thôn Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) cho biết, toàn thôn có 42 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có những trang trại với quy mô trên 300 con/lứa nhưng chất thải chăn nuôi chỉ được xử lý qua loa còn lại vẫn xả thẳng xuống suối.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được quan tâm và bảo vệ hiệu quả, hiện tượng ô nhiễm, lấn chiếm bờ sông, hồ vẫn diễn ra; chất lượng nước ở một số nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái. Tình trạng suy giảm về nguồn nước vào mùa khô đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các hồ, ao nằm ở gần các khu dân cư tập trung, khu chăn nuôi lớn, khu công nghiệp, khu khai thác khoáng  sản... Chất thải, nước thải xả vào nguồn nước mặt dẫn tới nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, làm mất khả năng sử dụng nước cho các mục đích khác, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. 
truyen-thong-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-tai-nguyen-nuoc-danh-gia-kha-nang-tiep-nhan-va-chiu-tai-cua-nguon-nuoc-mat-2
Con suối đoạn chảy qua thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) đã bị ô nhiễm
do người dân thiếu ý thức xả rác thải gây ách tắc dòng chảy.
Trước thực trạng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt gia tăng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất với tỉnh để thực hiện Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nước tải và sức chịu tải của các con sông, suối, ao, hồ nhằm đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thải. Ông Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, giám sát diễn biến hiện trạng nguồn nước sông, suối, ao, hồ và các hoạt động xả thải; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước; phân tích, tính toán, phân bố hạn ngạch xả thải vào các con sông, suối, ao hồ... Đây là cơ sở quan trọng cho biết về hiện trạng môi trường nước, từ đó có những khuyến cáo ngăn ngừa hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước. Làm được điều này sẽ kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế tình trạng ô nhiễm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại các sông, hồ... đảm bảo an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn, bền vững cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay từ bây giờ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước, trong đó có nguồn nước mặt vì môi trường sống của cộng đồng và vì tương lai của chính chúng ta.


Nguồn: Báo Tuyên Quang


  •  
Các tin khác

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải Hải có diện tích rộng 12.500 ha, tọa lạc tại vùng ngoài đê số 5 và số 6 của huyện Tiền Hải. Ranh giới khu bảo tồn được xác định qua 33 điểm tọa độ.

Cần có chiến lược quản lý thị trường tín chỉ carbon đang nổi ở Việt Nam và dùng lợi nhuận có được từ hoạt động mua bán tín chỉ để thúc đẩy bền vững về môi trường...

Theo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành.

Suốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.