Độc lạ: Người đàn ông xây nhà bằng vỏ chai

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/1/2022 | 10:26:30 Sáng

Ngôi nhà hai tầng độc lạ được ông Nguyễn Hoàng Linh, 47 tuổi, xã Cẩm Thanh, TP Hội An trang trí bằng hơn 12.000 vỏ chai thủy tinh.

Nguồn Video: VnXpress

Năm 2006, ông Linh xây ngôi nhà rộng 5 m, dài 18 m, có 20 trụ bê tông, nhưng mới xong phần thô, thiếu tiền hoàn thiện. Năm 2016, thấy Hội An có nhiều nhà hàng vứt bỏ chai thủy tinh, sẵn có tay nghề xây dựng, ông nảy sinh ý tưởng xây ngôi nhà khác lạ với tường là gạch, xi măng, phía trong và ngoài sẽ gắn vỏ chai nên thu gom cất trữ sau vườn.

Trước khi dùng vỏ chai làm nhà, ông Linh phân loại và rửa sạch. Mỗi chai, ông đổ nước sạch vào trong rồi đậy nắp lại, những chai không còn nắp thì dùng xốp bịt kín. "Cách làm này tạo cách nhiệt, mùa nắng ngôi nhà sẽ mát mẻ", ông nói và cho hay nước trong vỏ chai còn tạo ra màu sắc phản chiếu cho ngôi nhà.

Ông Linh dùng xi măng để gắn chai vào tường. "Việc gắn chai đòi hỏi phải kiên trì. Mỗi lần chỉ làm được khoảng 5 lớp chai là dừng, chờ cho xi măng gắn kết mới tiếp tục", ông nói. Sau đó ông cẩn thận dùng giẻ thấm nước lau sạch từng chai. Mỗi ngày, ông Linh gắn được gần 100 chai lên tường. Sau 5 năm, ông Linh gắn được hơn 12.000 chai quanh tường nhà. Theo ông, thời tiết nắng nóng và mưa lạnh chúng co giãn, nhưng không bị vỡ.

Ngôi nhà được ông Linh thiết kế hai cầu thang, đều được trang trí vỏ chai dày đặc. Lan can trong ngôi nhà cũng được gắn chai. "Nhiều người nói tôi khùng khi làm nhà bằng vỏ chai, song tôi bỏ ngoài tai, tiếp tục thu gom chai về và một mình xây dựng nhà ở", ông kể.

Ngôi nhà ông Linh nằm bên cạnh rừng dừa nước. Dự kiến 5 năm tới, ông gắn thêm gần 10.000 vỏ chai thì mới hoàn thành. Ông Linh cho biết: "Lý do là chai không đủ và tôi bận đi làm thợ xây nên không có nhiều thời gian để làm. Những hôm trời mưa, tôi nghỉ việc thì mới làm được".


Nguồn: VnXpress

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.