Điện rác Sóc Sơn đặt mục tiêu xử lý 1 triệu tấn rác của Hà Nội trong năm 2024

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/5/2024 | 9:46:36 Sáng

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã đi vào vận hành 5 lò đốt, với công suất tiếp nhận và xử lý từ 4.000 đến 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện là 90MW.

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng là vấn đề cấp bách cần giải quyết của Hà Nội. Trong đó, việc phát triển nhà máy điện rác là giải pháp hiệu quả, góp phần giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

Nhà máy điện rác (waste-to-energy) đầu tiên của Hà Nội là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ cuối năm 2017, khởi công tháng 8/2019, trên diện tích 17,51 ha, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tổng vốn đầu tư của Nhà máy lên đến 7.000 tỷ đồng, với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác tươi).

Tính đến tháng 4/2024, đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới, sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc). Nhà máy có 16 cửa đổ rác, mỗi cửa phù hợp với từng loại xe đổ rác của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (Công ty Thiên Ý) khẳng định: Sự vận hành của nhà máy đã đáp ứng phần nào việc xử lý rác "đúng cách” cho Hà Nội.

"Đúng cách" là bởi, theo ông Đỗ Tiến Dũng lý giải: Từ năm 2022 trở về trước, các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn/ngày; trong đó hơn 90% lượng rác được xử lý thông qua chôn lấp. Phương pháp này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khi UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương "điện rác" vào tháng 12/2017, đến tháng 11/2023, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vận hành, hoà lưới điện quốc gia, hiện 5 lò đốt rác của nhà máy đang xử lý từ khoảng 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện tối đa đạt 90MW... đã góp phần giải quyết hơn 70% lượng rác phát sinh ở Hà Nội; đồng thời, giảm áp lực việc mở rộng các khu chôn lấp rác ở 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây).

Từ khi vận hành đến nay, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt và 245.000 m3 nước rỉ rác, bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội và lượng nước rỉ rác phát sinh do phải chôn lấp.

Ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ thêm, việc đốt rác còn tiết kiệm nguồn tài nguyên đất. Bởi, nếu tiếp tục xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp, hàng năm, TP Hà Nội phải bố trí một diện tích đất nhất định để chứa, chôn lấp rác và phải xử lý nước rác.


Nhà máy Điện rác Sóc Sơn hoạt động theo công nghệ "waterleua" của Bỉ, là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam.


Bể chứa rác hoàn toàn khép kín, rác vào đây được ủ trong 10 ngày rồi đưa vào lò đốt.


Cần cẩu siêu trọng được lắp đặt trên cao, di chuyển bằng thanh ray, với cánh tay kéo dài để đảo trộn và gắp rác từ bể chứa vào lò đốt.




Bể chứa có thể cùng lúc chứa hàng nghìn tấn rác.


Hoạt động đốt rác được điều khiển từ phòng máy.


Rác được đốt trong lò sẽ sinh ra nhiệt đưa đến tua bin, máy phát để tạo ra điện và tro xỉ đáy lò được tận dụng làm vật liệu xây dựng.


Nhà máy được thiết kế 5 lò đốt và 3 tổ máy phát.

"Bài toán" công nghệ xử lý rác hợp vệ sinh và có tính bao phủ

TP Hà Nội đã chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy điện rác từ 20 năm trước, nhưng do công nghệ thay đổi từng ngày, do chính sách đầu tư còn nhiều bất cập, nên cuối cùng vẫn chỉ thu gom và chôn lấp rác. Điều này dẫn đến việc quá tải các bãi chôn lấp ở Xuân Sơn, Nam Sơn, người dân sống xung quanh các khu chôn lấp này mỗi năm lại cản xe chở rác vài lần vì quá ô nhiễm.

Sau nhiều lần "lỗi hẹn”, nhiều tháng chờ đợi "nghiệm thu” từ các cấp, các ngành, đến cuối năm 2023, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn bắt đầu đốt rác, biến rác thành điện, hòa vào lưới điện quốc gia.

Ông Đỗ Đức Thành, Trưởng phòng kiểm soát, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đánh giá cao năng lực của nhà máy, nhưng cũng đề xuất thêm việc lắp các trạm quan trắc tự động để gửi những thông số môi trường về cơ quan chức năng.

Mặc dù đã đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia, nhưng Ban lãnh đạo Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vẫn mong muốn sớm đưa vào vận hành giai đoạn tiếp theo, bởi với công suất hiện nay, việc xử lý đốt rác cho Hà Nội vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ.


Bãi chôn lấp rác thải tại Nam Sơn đã quá tải, Hà Nội cũng đang tính nhiều phương án nhằm xử lý số rác khổng lồ chôn lấp nhiều năm qua tại đây.


Người dân Sóc Sơn nhiều lần thắc mắc vì sao không vận chuyển số rác thải trên về đốt tại Nhà máy Điện rác Sóc Sơn.


Năm 2024, Điện rác Sóc Sơn hướng đến mục tiêu đạt 5 triệu KWh điện hoà lưới điện quốc gia.


Việc xử lý rác thải sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của TP Hà Nội và các ban ngành, góp sức cùng thành phố xử lý ùn ứ rác thải”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty Thiên Ý bày tỏ.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND về việc phát triển năng lượng tái tạo năm 2024. Theo đó, Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển thêm khoảng 67MW từ việc phát điện của tổ máy số 3 dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn và dự án Nhà máy Điện rác Seraphin vào vận hành, lúc này tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố đạt khoảng 129,3MW.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng hy vọng, nhà máy điện rác thứ 2 của thành phố - Seraphin - sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm vệ sinh môi trường. "Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào loại hình này cho Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội mong muốn.

Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm... việc xây dựng các nhà máy rác xung quanh khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.

TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong giáo dục, nông nghiệp, giao thông đô thị; sử dụng năng lượng gió phù hợp với khí hậu và xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông; rà soát các tiêu chuẩn liên quan đến việc lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện.

"Bức tranh" về điện rác của Hà Nội đang dần hình thành, đã góp phần giải bài toán về ùn ứ rác, quá tải bãi đổ thải và ô nhiễm môi trường cho Hà Nội. Tuy nhiên, sự phân bố về nhà máy xử lý rác và các bãi chôn lấp rác hiện nay chưa đồng bộ, khiến vùng phía Nam Hà Nội vẫn ngập rác. Vì vậy Hà Nội vẫn rất cần các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa tới công nghệ xử lý rác hợp vệ sinh và có tính bao phủ trên địa bàn thành phố.

Theo Báo Tin tức
  •  
Các tin khác

Ủy ban đàm phán liên chính phủ về rác thải nhựa vừa nhóm họp tại Canada, với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 176 quốc gia, nhằm thúc đẩy xây dựng hiệp ước toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay.

Ngày 14/5 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, đã diễn ra lễ ra mắt dự án “Đổi mới nền Kinh tế Xanh ASEAN”.

Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2023 (PGI) cho thấy, bức tranh “xanh hoá” ở 63 tỉnh, thành Việt Nam được triển khai chưa đồng đều, nơi sáng – nơi tối, nơi cấp thiết- nơi chậm chạp…

Ngày 9/5, tại TP.HCM, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến khu vực phía Nam đối với dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật và dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.