LHQ: Kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết về khí hậu

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2023 | 2:32:37 Chiều

Ngày 11/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hối thúc các nước phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng thư ký Guterres khẳng định tầm quan trọng của việc các nước phát triển đáp ứng các cam kết về tài chính và thích ứng một cách đầy đủ và minh bạch.

Ông nhấn mạnh nhiều nước đang phát triển hiện chìm trong nợ nần, không có dư địa tài chính và gặp khó khăn trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Trước tình hình này, ông cho rằng thế giới đang phải chạy đua với thời gian và kêu gọi các nước hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị COP28.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị COP28. (Ảnh: Reuters)

Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi hợp tác đa phương để giải quyết thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt. Ông nhận định trong thế giới rạn nứt và chia rẽ như hiện nay, COP28 có thể cho thấy rằng chủ nghĩa đa phương vẫn là niềm hy vọng tốt nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu. Đối với các hành động khí hậu, ông Guterres lưu ý rằng cần xem xét các trách nhiệm chung, cũng như khả năng và hoàn cảnh khác nhau của các quốc gia.

Về quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn, Tổng thư ký nhấn mạnh rằng các chính phủ cũng phải đảm bảo hỗ trợ, đào tạo và bảo trợ xã hội cho những người có nguy cơ hứng chịu tác động tiêu cực. Theo ông, các nước cần tăng vốn và cải cách mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để tăng cường hỗ trợ trực tiếp, tận dụng nhiều nguồn tài chính tư nhân hơn với chi phí hợp lý để thúc đẩy nỗ lực hành động khí hậu của các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh kết thúc COP28, các chính phủ cần nắm được các nhiệm vụ phải làm từ nay cho tới COP30 ở Brazil.

Liên hợp quốc kêu gọi nỗ lực chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Cùng ngày, Thư ký Điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiel đã kêu gọi các quốc gia loại bỏ những rào cản trong nỗ lực tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu với báo giới tại COP28, ông Stiel nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Vì vậy, quan chức cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng điều đầu tiên cần làm là loại bỏ những rào cản không cần thiết để đạt được những nỗ lực như vậy.

Bên cạnh đó, ông Stiel cho rằng các nước cần tiếp tục thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt hơn, nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đề xuất "giảm dần/loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống Biến đổi Khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, đại diện thường trực của UAE tại Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Tiến sỹ Nawal Al Hosany, đánh giá Hội nghị COP28 đã mang lại những kết quả vượt mong đợi về các cam kết tài chính và cam kết toàn cầu hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi Khí hậu.

Phát biểu với hãng tin WAM của UAE bên lề hội nghị COP28, Tiến sỹ Al Hosany đánh giá cao thành công đạt được trong mỗi ngày tại hội nghị trong đó có việc tăng cường các sáng kiến tài chính và động lực toàn cầu, đồng thời nêu bật thỏa thuận toàn cầu đã đạt được về Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại."

Tiến sỹ Al Hosany hoan nghênh cam kết của hơn 123 quốc gia về tăng gấp 3 lần việc áp dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.

Tiến sỹ Al Hosany cũng nhấn mạnh vai trò của IRENA trong việc thuyết phục các quốc gia tham gia cam kết này nhằm đạt mục tiêu kiềm chế mức ấm lên toàn cầu không quá 1,5°C và tăng cường an ninh năng lượng.

Tiến sỹ Al Hosany nêu bật sự hợp tác của IRENA với Chủ tịch COP28 trong khuôn khổ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính, trong đó các sáng kiến được đưa ra tại hội nghị, thu hút nguồn tài trợ vượt 80 tỷ USD.

Theo bà, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu liên quan đến tài chính, cùng với việc chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng giúp cung cấp thêm năng lượng tái tạo cho lưới điện tại các quốc gia đã cam kết.

Ngoài ra, Tiến sỹ Al Hosany nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên tại hội nghị về khí hậu đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ các ý tưởng của giới trẻ trong áp dụng các giải pháp cho các vấn đề thách thức về khí hậu và năng lượng tái tạo.

Trước đó, IEA cho rằng loạt cam kết mới được công bố tại Hội nghị COP28 - từ tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo đến hạn chế lượng khí thải methane, là không đủ để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đến nay, 130 quốc gia đã nhất trí tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, trong khi 50 công ty khai thác dầu và khí đốt đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải methane và loại bỏ việc đốt dầu sản xuất vào năm 2030 theo Hiệp định khử Carbon trong Dầu khí.

Nếu các bên thực hiện đúng cam kết của mình, thì lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ giảm tương đương 4 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2030. Đây là 1/3 lượng khí thải cần được giải quyết trong 6 năm tới để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã nhất trí trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015.

IEA nhấn mạnh: "(Các cam kết) gần như không đủ để đưa thế giới vào con đường đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế. IEA sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại COP28 và cập nhật đánh giá của mình khi cần thiết."

IEA từng cho rằng các nước sẽ cần thực hiện 5 lĩnh vực chính tại COP28 để duy trì khả năng giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C. Bên cạnh năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm khí methane, IEA cho biết một cơ chế tài chính quy mô lớn là cần thiết để tăng gấp 3 lần đầu tư năng lượng sạch ở các quốc gia nghèo hơn.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước nỗ lực hơn, linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận giải quyết Biến đổi Khí hậu, bao gồm cả cách diễn đạt về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Ông khẳng định việc dập tắt tham vọng của thỏa thuận và thất bại không phải là lựa chọn.

Hội nghị COP28 sẽ kéo dài đến ngày 12/12. Dự thảo văn bản được COP28 công bố ngày 10/12 đề xuất tổ chức hội nghị COP29 vào năm tới tại Azerbaijan trong khoảng thời gian từ ngày 11-22/11. Văn bản cũng đề xuất thời gian diễn ra COP30 ở Brazil là từ ngày 10-21/11/2025.

HẢI ĐĂNG
  •  
Các tin khác

Nhiều ngày sau trận mưa lịch sử, Dubai vẫn chìm trong lũ - một ví dụ sâu sắc về việc thế giới đang thua trong cuộc chạy đua "nước rút" với biến đổi khí hậu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết châu Á chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm qua, trong đó bão lũ là nguyên nhân chính gây thương vong, thiệt hại kinh tế.

Hiện tượng El Niño đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là gây ra lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nhiệt độ cao ở Đông Nam Á.

Một cảnh báo nghiêm trọng từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra những số liệu lo ngại về hiện tượng tẩy trắng san hô lan rộng từ tháng 2/2023. Theo thông tin mới nhất, ảnh hưởng của hiện tượng này đang mở rộng đến các rạn san hô ở hầu hết 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.