Nội các Thái Lan thông dự luật không khí sạch

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/1/2024 | 12:07:27 Chiều

Nội các Thái Lan hôm 9/1 đã tán thành dự luật mang tên “Đạo luật Không khí sạch” nhằm giải quyết tình trạng chất lượng không khí kém ở quốc gia này.

Động thái trên mở đường cho Quốc hội Thái Lan bắt đầu tranh luận về dự thảo luật từ ngày 11/1 tới đây.

Thái Lan nằm trong số các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng hằng năm, trong đó thủ đô Bangkok và thành phố Chiang Mai (miền Bắc Thái Lan) có thời điểm bị đưa vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm được cho là do khí thải công nghiệp, khói thải xe cộ và khói mù do nông dân đốt rơm rạ từ tháng 12 đến tháng 4 khiến chất lượng không khí giảm mạnh vào khoảng thời gian này hằng năm. 


Quang cảnh thủ đô Bangkok, Thái Lan trong bầu không khí bị ô nhiễm. Ảnh: Reuters.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, trong năm qua đã có khoảng 2 triệu người phải điều trị y tế do không khí ô nhiễm. Các nhà bảo vệ môi trường từ lâu đã kêu gọi nhà chức trách Thái Lan ban hành luật để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Phát triển công nghệ vũ trụ và tin học địa lý Thái Lan (Gistda), cơ quan giám sát mức độ ô nhiễm, cho biết 48/77 tỉnh của Thái Lan bị bao phủ trong khói bụi ở ngưỡng không an toàn và 21 tỉnh trong số này đang phải hứng chịu mức độ bụi mịn PM2.5 cao.

Kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm ngoái, Thủ tướng Srettha Thavisin tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm khói bụi. Ông Srettha dự kiến sẽ tới Chiang Mai vào cuối tuần này để thảo luận với giới chức địa phương về vấn đề khói mù.

Chỉ số chất lượng không khí với cuộc sống (AQLI) cho thấy, hơn 90% dân số ở Thái Lan đang sống trong điều kiện chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Tình trạng này có thể khiến tuổi thọ trung bình của người Thái Lan giảm 1,8 năm.

WHO quy định nồng độ bụi mịn PM 2.5 không vượt quá 50 microgam/m3 không khí là mức an toàn. Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, chủ yếu xuất phát từ hoạt động đốt rừng hoặc cây trồng, đặc biệt là cây mía, ảnh hưởng đến khoảng 44 triệu người ở Thái Lan mỗi năm. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ khiến người dân có thể mắc phải các bệnh mãn tính bao gồm các vấn đề về phổi và tim.

HẢI ĐĂNG (T/h)

  •  
Các tin khác

Nhiều ngày sau trận mưa lịch sử, Dubai vẫn chìm trong lũ - một ví dụ sâu sắc về việc thế giới đang thua trong cuộc chạy đua "nước rút" với biến đổi khí hậu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết châu Á chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm qua, trong đó bão lũ là nguyên nhân chính gây thương vong, thiệt hại kinh tế.

Hiện tượng El Niño đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là gây ra lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nhiệt độ cao ở Đông Nam Á.

Một cảnh báo nghiêm trọng từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra những số liệu lo ngại về hiện tượng tẩy trắng san hô lan rộng từ tháng 2/2023. Theo thông tin mới nhất, ảnh hưởng của hiện tượng này đang mở rộng đến các rạn san hô ở hầu hết 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.