Ghi nhận tháng Hai nóng nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/3/2024 | 10:33:01 Sáng

Ngày 7/3, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết thế giới vừa trải qua tháng Hai nóng nhất từ trước đến nay.

Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu ghi nhận ở mức cao chưa từng thấy do biến đổi khí hậu gây ra.
Năm ngoái, thế giới đã chứng kiến các cơn bão, các đợt hạn hán làm khô héo cây trồng và những trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp khi biến đổi khí hậu do con người gây ra kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến tình trạng ấm lên toàn cầu dường như ở mức nóng nhất trong khoảng 100.000 năm qua.
Theo C3S, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, Trái Đất lần đầu tiên trải qua 12 tháng liên tiếp với mức nhiệt cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra khi mức nhiệt trong tháng Hai vừa qua cao hơn 1,77 độ C so với các ước tính cùng kỳ trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900).
Nhiệt độ tăng vọt trên khắp hành tinh trong tháng trước, từ Siberia đến Nam Mỹ, trong đó châu Âu cũng trải qua mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: IT) 
C3S cho biết trong nửa đầu tháng Hai vừa qua, nhiệt độ toàn cầu hằng ngày ở mức "cao bất thường” với 4 ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trung bình cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này xảy ra chỉ vài tháng sau khi thế giới ghi nhận ngày đầu tiên vượt quá mức giới hạn đó.
Theo giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định đây là chuỗi ngày dài nhất có mức nhiệt cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời cho rằng tình trạng này là "đáng chú ý.”
Mặc dù vậy, điều này chưa vi phạm giới hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C và tốt hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo C3S, nhiệt độ bề mặt nước biển cũng cao nhất từ trước đến nay ở mức hơn 21 độ C ghi nhận vào cuối tháng trước, vượt qua mức nhiệt cực đoan trước đó ghi nhận hồi tháng 8/2023.
Đại dương bao phủ 70% diện tích hành tinh và hấp thụ 90% lượng nhiệt dư do tình trạng ô nhiễm carbon mà hoạt động của con người gây ra. Đại dương nóng lên đồng nghĩa với việc bầu khí quyển có nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến thời tiết ngày càng bất thường như mưa gió dữ dội hơn.
Dữ liệu của C3S được thu thập từ những năm 1940 nhưng ông Buontempo cho rằng xét đến những gì mà các nhà khoa học biết được về lịch sử nhiệt độ thì "nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng khí hậu này."
Ông nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với các thành phố, các nền văn hóa, hệ thống giao thông và hệ thống năng lượng hiện nay.
Dù hiện tượng El Nino và các hiện tượng thời tiết khác được cho là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng chưa từng thấy gần đây, các nhà khoa học vẫn cho rằng lượng khí thải nhà kính mà con người tiếp tục thải vào bầu khí quyển là "thủ phạm chính”.
HẢI ĐĂNG (T/h)

  •  
Các tin khác

Một cảnh báo nghiêm trọng từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra những số liệu lo ngại về hiện tượng tẩy trắng san hô lan rộng từ tháng 2/2023. Theo thông tin mới nhất, ảnh hưởng của hiện tượng này đang mở rộng đến các rạn san hô ở hầu hết 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mặc dù mùa đông vừa qua chứng kiến sự tăng nhanh của băng biển ở Bắc Cực, nhưng vẫn không đạt được mức trung bình và băng vẫn mỏng hơn so với những năm trước.

Càng ngày, việc duy trì nhiệt độ cao nhất trong những ngày nóng cũng trở nên phổ biến hơn, nhiều ngày hơn so với trước đây.

Vừa qua, trang Live Science đã chia sẻ một thông tin đầy kinh ngạc về những sự kiện động đất ở vùng ngoài khơi Canada, thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học môi trường. Đây không chỉ là một hiện tượng thông thường, mà còn là dấu hiệu của một quá trình đặc biệt: hình thành một lớp vỏ đại dương mới.