Chi hơn 5.000 tỉ đồng cải tạo, kênh Tân Hóa - Lò Gốm vẫn chưa hết ô nhiễm

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/6/2023 | 4:23:34 Chiều

TPHCM - Sau hơn 8 năm kể từ ngày được nạo vét, chỉnh trang kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dài 6,8 km, chạy qua các Quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú) vẫn chưa hết ô nhiễm do chưa có nhà máy xử lý nước thải.

tm-img-altKênh Tân Hóa - Lò Gốm đang có nguy cơ tái ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Yến Nhi

Trên bờ khang trang dưới kênh nước còn đen kịt

Theo ghi nhận, dọc hai bên kênh Tân Hóa – Lò Gốm là những hàng cây xanh mát, các dụng cụ tập thể dục, ghế ngồi được lắp đặt phục vụ đời sống của người dân. Dọc theo tuyến kênh cũng treo rất nhiều pano, bảng hiệu,... về việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi.

Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh sạch sẽ khang trang trên bờ là dưới lòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi tanh hôi. Vào những ngày nắng nóng, dòng kênh này càng bốc mùi hôi nồng nặc.

tm-img-alt
Dòng nước đen kịt lẫn rác thải, bốc mùi tanh hôi. Ảnh: Yến Nhi

Chị Ngọc - buôn bán ở vỉa hè ven kênh, đoạn gần đường Hồng Bàng (Quận 6) cho biết: "Những ngày nắng nóng, kênh bốc mùi thối không chịu nổi. Dân ở đây ngửi riết cũng quen chứ khách vãng lai chắc chắn bị mùi này ám ảnh. Cách đây mấy năm, kênh được cải tạo, người dân ai cũng mừng, nhưng sau một thời gian, nước kênh lại đen dần, hôi dần”.

 

Sinh sống hơn nửa đời người bên kênh, ông Lê Trọng Nam chia sẻ: "Đừng nói những người ở đây xả rác xuống kênh, giờ dân ở đây toàn là người thuê nhà để buôn bán. Họ không để ý đến môi trường xung quanh, cứ bạ đâu vứt đó nên giờ con kênh này mới hôi hám, nhếch nhác trở lại”.

Theo ông Nam, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, nhưng ý thức của một số người dân chưa thay đổi. "Họ vẫn vứt rác xuống kênh. Những người làm vệ sinh môi trường cũng vẫn thường xuyên vớt rác nhưng không hết. Mùa nắng hay mưa thì nước kênh vẫn bốc mùi hôi” – ông Nam nói.

tm-img-alt
Rác thải nổi lềnh bềnh trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: Yến Nhi

Rác thải cộng với nguồn nước bị ô nhiễm khiến mặt nước bị đặc sánh lại và sủi bọt trắng. Đây không chỉ là nguồn cơn của ô nhiễm môi trường mà còn là nơi lý tưởng để các loài kí sinh như ruồi, muỗi, chuột… có cơ hội sinh sống và phát triển mầm bệnh.

 

Muốn hết ô nhiễm phải có nhà máy xử lý nước thải

Theo nhiều người dân sống ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm, việc tái ô nhiễm dòng kênh này nguyên nhân chủ yếu là do lượng rác và nước thải chưa được xử lý đổ xuống lòng kênh ngày càng nhiều. "Tùy sáng hoặc chiều, nước thải từ máy bơm hay từ các nhà máy thải ra, mỗi lúc như vậy là bốc mùi nặng hơn hết” - bà Năm Ngọc (nhà ở đường Hồng Bàng, Quận 6) phản ánh.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm khởi công từ tháng 12.2011, khánh thành tháng 4.2015 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng (gồm 1.700 tỉ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư).

 

Tuy nhiên, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm chưa có nhà máy xử lý nước thải nên tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để.

tm-img-alt
Những đường ống nước thải của một nhà máy xả xuống kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: Yến Nhi

Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện chỉ có nước thải sinh hoạt được thu gom bằng hệ thống cống dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất tại khu vực này vẫn đổ trực tiếp ra kênh. Do đó, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành, xử lý nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận quản lý.

Về lâu dài, Sở Xây dựng cho biết TPHCM cần sớm đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm nói riêng và các nhà máy khác theo quy hoạch nói chung.

tm-img-alt
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm muốn hết ô nhiễm phải sớm xây nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Yến Nhi

Đến nay, TPHCM mới xây dựng, vận hành được 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000 m3/ngày - tương ứng 13% lượng nước thải trên địa bàn TPHCM.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại.


Yến Nhi



Nguồn Báo Lao Động

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.