Quảng Nam, Quảng Ngãi: Dân kêu trời vì nước nhiễm mặn

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2019 | 11:10:54 Sáng

Thời gian gần đây, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bị nhiễm mặn, khiến cuộc sống của họ trở nên vô cùng khó khăn.

Hồ dự trữ nước của Xí nghiệp Cấp thoát nước dần trơ đáy.

Dân thiếu nước sinh hoạt

Nhiều người dân ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam phản ánh, khu vực xã nằm trong vùng trũng thấp, mạch nước ngầm bị nhiễm phèn nên người dân không thể khoan đóng giếng được. Bà con địa phương chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy cung cấp. Tuy nhiên, thời gian này, trời nắng nóng dẫn đến nguồn nước sông Vĩnh Điện bị xâm nhập mặn vì thế nguồn nước cung cấp cho Xí nghiệp Cấp thoát nước không đảm bảo”.

Ông Võ Văn Mao (trú thôn 1, xã Cẩm Thanh) cho hay: "Trước tình trạng thiếu nước, bà con đã nhiều lần lên Xí nghiệp Cấp thoát nước để phản ánh, nhưng đều không gặp giám đốc. Không biết tình tình thiếu nước đến khi nào mới được khắc phục được. Hiện để có nước sinh hoạt, tôi phải đi xa nhà khoảng 2 km gánh nước giếng về cho gia đình mình dùng tạm, riêng với nước dùng để ăn uống thì phải mua”.

Người dân cũng cho rằng, việc mất nước xảy ra nhiều ngày, nhưng đơn vị cung cấp không thông báo đến người sử dụng để chuẩn bị. Việc thiếu nước không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình họ mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, du lịch.

Không chỉ tình trạng xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở xã Cẩm Thanh mà ở các xã như Cẩm Phô, Cẩm Châu, Sơn Phong, Cẩm Kim;… thuộc TP Hội An đều trong tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng, những khu vực có nước thì bị nhiễm mặn.

Theo tìm hiểu được biết, sông Vĩnh Điện là nguồn cung cấp nước chính cho Xí nghiệp cấp thoát nước Hội An để bơm phục vụ cho cả TP Hội An. Nhưng thời tiết nắng nóng và triều cường biển dâng cao đã đẩy mặn tại sông Thu Bồn đoạn qua Vĩnh Điện lên trên mức cho phép là 3 phần nghìn trong khi độ mặn chỉ cho phép 0,4 phần nghìn, vì thế không thể sử dụng được. Trong khi đó, mỗi ngày TP Hội An tiêu thụ trên 15.000m3 nước sạch.

Ông Nguyễn Viết Thành- Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An cho hay, hiện tại lưu lượng nước cung cấp của xí nghiệp toàn thành phố chỉ đạt 2/3 công suất bình thường (khoảng 15 nghìn mét khối/ngày đêm). Hiện nay, nhà máy nước đã cử người túc trực 24/24h để dò độ mặn kịp thời hút nước lúc độ mặn hạ xuống mức cho phép.

"Giải pháp trước mắt là tăng cường nước từ Nhà máy nước Trảng Nhật (Điện Thắng Bắc, Điện Bàn) về, đồng thời mở van hết công suất để đưa nước đến những vùng thiếu hụt, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi. Lâu dài chúng tôi sẽ nâng cấp đường ống cấp nước về Cẩm Thanh, dự kiến qua tháng 7 sẽ triển khai”- ông Thành nói.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, thời gian qua, thời tiết nắng nóng, khô hạn dẫn đến nguồn nước trên sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn nên nguồn nước cung cấp cho Xí nghiệp cấp thoát nước không đảm bảo. Giải pháp trước mắt của thành phố cũng chỉ là đôn đốc bên xí nghiệp nước cố gắng khắc phục, sớm đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân”.

Sống chung nguồn nước nhiễm mặn

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, hơn 6 tháng qua, gia đình ông Huỳnh Tấn Việt (trú ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hằng ngày phải thường xuyên sử dụng nước bị nhiễm mặn.

Ông Việt cho hay: "Nước mới múc từ các giếng lên có màu vàng đục, mùi ngai ngái rất khó chịu, để vài phút cáu cặn lắng đầy ở đáy ai mà dám uống. Hằng ngày gia đình tôi chi thêm 40- 50 nghìn đồng mua nước đóng bình về ăn uống”.

Còn chị Huỳnh Thị Duyên (trú thôn Sơn Trà, xã Bình Đông) cho biết: "Cũng không rõ nguyên nhân thế nào mà nguồn nước nơi đây bị nhiễm mặn nữa. Mở vòi nước tôi nếm thử thì vị mặn xuất hiện ngay ở đầu lưỡi, cảm giác như nước muối pha loãng vậy. Hiện tại nước giếng này gia đình tôi chỉ dùng để rửa chén bát. Một số dụng cụ bằng sắt như dao, thau đều bị rỉ sắt”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thì khu vực thôn Sơn Trà, xã Bình Đông chưa có hệ thống nước sạch, các hộ dân buộc phải sử dụng và sinh hoạt bằng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan bị nhiễm mặn và ô nhiễm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các hộ dân nơi đây.

Ông Nguyễn Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Bình Đông thừa nhận, có tình trạng hàng trăm giếng nước của người dân bị nhiễm mặn. Còn nguyên nhân có phải do dự án của doanh nghiệp hay không thì chưa có cơ sở để xác định. Hiện nay, UBND xã Bình Đông đã nộp hồ sơ gửi lên ngành chức năng để đưa nước máy về cho hơn 800 hộ dân ở thôn Sơn Trà. Nếu kịp thì trong năm 2019, nước máy sẽ về phục vụ người dân.
Theo daidoanket.vn
  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.