5 vấn đề trọng yếu còn thiếu trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/11/2023 | 3:53:22 Chiều

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”: 5 vấn đề trọng yếu còn thiếu trong Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Hà Nội đang khẩn trương triển khai Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, dự kiến báo cáo cấp trên trong tháng 12/2023. Nghiên cứu Thuyết minh Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cho thấy có 5 tồn tại lớn nhất.

1. Thiếu nước sạch

Thiếu hụt nước sạch dùng cho sinh hoạt, sản xuất công nông nghiệp và nước cho giao thông thủy. Quy hoạch Tài nguyên nước đã cho biết lưu vực sông Hồng Thái Bình có tổng kối lượng 100 tỷ m3 nhưng chênh lệch lớn 2 mùa lũ cạn, tháng kiệt nhất chỉ còn < 3 tỷ m3 trên tổng diện tích 88.860km2 với 32,5 triệu người sinh sống. Hồ chứa sông Đà có tổng dung tích gần 10 tỷ m3 nhưng nhiều năm nay lượng nước chảy về ít dần, có năm chỉ còn 50%. Mực nước sông Hồng xuống thấp (thấp hơn cửa đập Đáy -3m cách đây 30 năm) không đủ cấp nước cho sông Đáy, Nhuệ và các sông khácm làm cho các sông khô hạn, bồi lắng tồn đọng ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm nặng tại các sông Nhuệ, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải.


Dự báo nước sạch thiếu hụt: năm 2011 dự báo nước sạch sinh hoạt Hà Nội đến năm 2030 là hơn 2 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2023 dự báo tăng lên 3 triệu m3/ngày đêm (tăng 150%); Tăng khai thác nước mặt từ 1,7 triệu lên 2,5 triệu m3/ngày đêm trong khi nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà đều suy giảm về khối lượng và chất lượng.

Thiếu nước do biến đổi khí hậu và bất ổn trong điều tiết nước liên vùng, liên quốc gia, trong khi Quy hoạch cấp nước của 2 quy hoạch không có chiến lược tái dụng tuần hoàn nước, thiếu giải pháp dự phòng, tối ưu chi phí, công bằng tiếp cận, không bền vững. Hà Nội đã từng phải dừng lại 3 thành phố vệ tinh dở dang do không đủ nước: Xuân Hòa, Xuân Mai, Vĩnh Yên. Các khu đô thị thiếu nước sạch, hoặc nước kém chất lượng là lời cảnh báo nghiêm khắc để Hà Nội không thể lặp lại sai lầm. Đó là chưa kể nạn thiếu nước cho sản xuất nông công nghiệp và vận tải đường thủy cần khối lượng lớn hơn hàng trăm, ngàn lần nước sạch sinh hoạt chưa được đề cập tới. Bản Quy hoạch cần trả lời câu hỏi: Lượng nước sạch để sinh hoạt và sản xuất bền vững của Hà Nội đủ cho tối đa mấy triệu người?

2. Thiếu tiền do đặt ra mục tiêu hạ tầng quy mô lớn mà không rõ nguồn lực, hiệu quả đầu tư

Rõ nhất là Giao thông với các mục tiêu dàn trải, không trọng tâm, hiệu quả nên không hoàn thành các chỉ tiêu chính: sau 12 năm (2021-2023), tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng là 10,07% so với mục tiêu là 18-26% (đạt 46%); mục tiêu mật độ đường giao thông là 10-13km/km2, thực tế mới đạt khoảng 1,83 km/km2 (đạt 15%); đường sắt đô thị chỉ đạt 15%; hoặc đầu tư hàng tỷ USD cho thoát nước và xử lý nước thải, nhưng đô thị vẫn ngập ứng và sông hồ ô nhiễm tràn lan. Quy hoạch mới vẫn giữ nguyên các mục đầu tư lớn mà không có giải pháp mới về nguồn lực, xác định tổng đầu tư 11 triệu tỷ đồng (2021-2030), tăng trưởng 8-8,5% mà không có giải pháp mới hấp dẫn và hiệu quả đầu tư sẽ lặp lại tình trạng vẽ ra quy hoạch mà không có nguồn lực thực hiện thiếu tiền trầm trọng, quy hoạch treo nhiều hơn.


So sánh QHC1259, Điều chỉnh QHC2923 và đô thị hóa tự phát trong giai đoạn 2011-2020

3. Thiếu nhà ở bình dân an toàn, thừa bất động sản bỏ hoang, dự án để đất hoang

Các làng quê đô thị hóa trong bán kính 15km từ trung tâm đã quá tải về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, trường học nhà trẻ, cây xanh, mặt nước… trong khi bất động sản thương mại tràn lan. Tổng diện tích sàn nhà ở hiện có và đang triển khai 265 triệu m2 – thừa cho 10 triệu cư dân đô thị vào năm 2050, nhưng nhiều cư dân đô thị hiện nay vẫn không có nhà ở. Giai đoạn 2003-2020, Dân số đô thị tăng gấp đôi (từ 2,3 triệu lên 4,6 triệu), đất đô thị tăng 12 lần (12.200ha lên gần 150.000ha).


Trong khi Hà Nội đang rà soát đất dự án bỏ hoang, bất động sản không người ở lãng phí đất đai tiền của xã hội thì 2 bản quy hoạch đã không có giải pháp hỗ trợ thành phố sử dụng tài nguyên đất/nước hiệu quả, gia tăng công bằng… mà lại tiếp tục mở rộng đất đô thị (từ 94.700ha lên 150.994ha). Tiến tới đảo ngược 30% đất đô thị/70% đất Hành lang Xanh thành 70% đất đô thị, thu hẹp đất tự nhiên, hành lang Xanh xuống còn 30% – sẽ phát sinh nhiều hệ lụy bất lợi về kinh tế, bất ổn về xã hội.

4. Thiếu giải pháp tích hợp đa ngành/đa mục tiêu đa lợi ích, tạo môi trường phát triển cho kinh tế tuần hoàn/kinh tế sáng tạo

Quy hoạch đặt cược vào giải pháp TOD – "Transit Oriented Development”: định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư. Dù đã thành công tại nhiều quốc gia khi Thành phố giao đất cho tư nhân phát triển hạ tầng đô thị kết nối, bán nhà đắt để bù vào tiền làm đường. Tuy nhiên, mô hình này lại không hiệu quả ở Hà Nội (đất đã giao nhưng lại không có đường). Hai bản quy hoạch trình bày các thành phần rời rạc, không tạo mối quan hệ tương tác đa ngành mà còn triệt tiêu động lực phát triển các ngành khác nhau (đường sắt đô thị hút hết nguồn lực phát triển đường bộ, đường thủy; đầu tư lớn cho thu gom xử lý nước thải không còn nguồn lực cho thủy lợi nông nghiêp và giao thông thủy); không tạo không gian sinh thái phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn: nông nghiệp hữu cơ với tái dụng chất thải hữu cơ, xử lý nước thải, chất thải sinh học; không có mô hình đào tạo gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển công nghiệp sáng tạo; không kết nối phát triển các đô thị thương mại với nâng cao chất lượng sống cho người dân sở tại ,thậm chí còn lấy đất ruộng của vùng nông nghiệp phát triển lâu đời làm sân golf, biệt thự cao cấp – tạo ra những bất công xã hội mới mà không phát huy giá trị nhân sinh, tri thức bản địa vốn có.


Hai quy hoạch mới không có nội dung tạo không gian sinh thái tích hợp, tương tác đa ngành để phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn mà còn tăng đất đô thị bê tông hóa không có biện giải thuyết phục – giảm bề mặt tự nhiên, đa mục tiêu đa lợi ích của Hành lang Xanh

5. Không ứng dụng công nghệ hiện đại: lập quy hoạch vẫn lạc hậu,kết quả kém

Yêu cầu lập Quy hoạch mới phải đáp ứng: "Tư duy mới – Tầm nhìn mới – Cơ hội mới – Giá trị mới”, với yêu cầu "Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý – GIS để phân tích, đánh giá xu hướng phát triển đô thị thời gian qua nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội. Cơ sở dữ liệu GIS được chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước phục vụ công tác dự báo phát triển, chuyển đổi số trong quản lý, quy hoạch đô thị.” … Nhưng Thuyết minh và bản đồ đính kèm không có nội dung phân tích thực trạng dự báo bằng công nghệ GIS như nhiệm vụ đặt ra

Công nghệ thông tin địa lý (GIS – Geografic Information System) đã phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và tại Việt Nam, có thể cung cấp các thông tin chính xác và tin cậy để phục vụ lập, thực hiện, giám sát đánh giá các hoạt động quy hoạch trong khi hai bản quy hoạch mới dùng ảnh bản đồ vệ tinh miễn phí, độ phân giải thấp làm nền để rồi vẽ lên trên đó các ý tưởng chủ quan mà không ứng dụng khoa học chuyên sâu.


GIS bao gồm sử dụng kết quả quan trắc bề mặt trái đất (earth observation), từ vệ tinh có độ phân giải cao và thiết bị bay (UAV). Đủ chất lượng để phân tích hình ảnh, với sự hỗ trợ của mô hình dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, cung cấp tthông tin phục vụ giám sát, đánh giá thực trạng, phục vụ công tác quản lý: nhận diện đất đai, công trình kiến trúc hoạt động hay để hoang.

Lập hai Quy hoạch quan trọng nhưng không ứng dụng công nghệ mới, không sử dụng các nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, lại thiếu công cụ phân tích tân tiến, sẽ không thể nhận diện toàn diện thách thức, nên sẽ không có chiến lược bền vững mà chỉ có những giải pháp tình thế, chắp vá. Không thể đồng bộ thông tin tích hợp đa ngành, đa nguồn lực đầu tư nên không thể mang lại đa lợi ích mà còn lãng phí tài nguyên… Phương pháp quy hoạch lạc hậu đã tạo ra quy hoạch chất lượng thấp, từng là nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong phát triển đô thị, kinh tế xã hội của Hà Nội trong thời gian qua, do vậy 2 bản quy hoạch này cần thay đổi toàn diện.

Trần Huy Ánh
Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, 
Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Viện Nam,
Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây Dựng
(Theo Kiến trúc Việt Nam)
  •  
Các tin khác

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Để phục vụ công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành video Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn với những hình ảnh trực quan, sinh động. Chuyên trang Quản lý môi trường xin chia sẻ video này để bạn đọc tham khảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hiện đang soạn thảo Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu.