Xác định chi phí dịch vụ thoát nước và xây dựng lộ trình thực hiện tại các đô thị

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/3/2019 | 10:06:08 Sáng

Báo cáo này sẽ đánh giá thực trạng quá trình xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành lộ trình thực hiện giá ở đô thị Việt Nam cùng với những khó khăn đang cản trở quá trình này.

1. Giới thiệu
 
Dịch vụ thoát nước là một loại dịch vụ hạ tầng đô thị quan trọng có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Cụ thể hơn, dịch vụ thoát nước thúc đẩy điều kiện vệ sinh, nhờ vậy, làm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật của con người, cũng như bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sự tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái. 
 
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn.  Điều này đang có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Ước tính hàng năm, các thiệt hại kinh tế ô nhiễm nguồn nước vào khoảng 287 triệu đô la Mỹ. 
 
Nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ thoát nước đối với sự phát triển bền vững, trong những năm qua nguồn chi cho đầu tư phát triển hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Những con số trên là khá lớn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
 
Liên quan nguồn tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước, tiền thu từ người sử dụng dịch vụ còn rất thấp, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chính cho vận hành hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, do khó khăn về ngân sách, tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước trong thời gian qua không đủ cải thiện và mở rộng dịch vụ thoát nước. Ở phần lớn các đô thị, nguồn chi cho vận hành hệ thống thoát nước chỉ đủ để duy trì hoạt động này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị mà nhiều hệ thống thoát nước ở các đô thị bị xuống cấp nghiêm trọng do không có vốn duy tu bảo dưỡng. 
 
Huy động các nguồn vốn cho đầu tư và vận hành hệ thống thoát nước đô thị, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cần có sự quan tâm và vào cuộc của các chính quyền đô thị. Một trong những biện pháp được nhắc đến nhiều nhất đó là áp dụng chính sách chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước. Vấn đề đặt ra đó là chính sách chia sẻ chi phí phải như thế nào để đảm bảo đơn vị vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu để chủ động trang trải các hoạt động quản lý vận hành hệ thống thoát nước, giảm dần trợ cấp từ nguồn ngân sách, mà vừa đảm bảo khả năng thanh toán của người sử dụng dịch vụ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người xả thải đối vấn đề sử dụng nước cũng như vấn đề xả thải. 
 
Báo cáo này sẽ đánh giá thực trạng quá trình xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành lộ trình thực hiện giá ở đô thị Việt Nam cùng với những khó khăn đang cản trở quá trình này dựa trên kinh nghiệm làm việc tại 16 tỉnh tham gia chương trình Quản lý nước thài và Dự án Thoát nước và chống ngập úng ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Quản lý nước thải và Dự án thoát nước và chống ngập úng do GIZ phối hợp với SACO và Bộ Xây dựng. 
 
2. Cơ sở pháp lý của việc xác định chi phí và ban hành lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước.
 
Cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho việc xác định chi phí và ban hành lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước là Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Phần dưới đây sẽ trình bày nội dung NĐ 80 về vấn đề này và một số văn bản pháp quy liên quan khác. 
 
Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường.
 
Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải ban hành ngày16 tháng 11 năm 2016 quy định phí môi trường đối với nước thải sinh hoạt được xác định theo tỷ lệ phần trăm giá nước sạch, nhưng tối đa không vượt quá 10 phần trăm. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phần lớn giá nước sạch ở các đô thị giao động ở mức 5.000 đồng – 8.000 đồng/m3. Thực tế ở phần lớn các đô thị mức phí môi trường đang áp dụng rất thấp, khoảng 500 -600 đồng/m3, thậm chí ở một số tỉnh, phí môi trường chỉ khoảng 300 đồng/m3. 
 
Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.
 
Ngày 06 tháng 08 năm 2014, chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải.  Nghị định này đã tạo ra một khung pháp lý quan trọng cho lĩnh vực thoát nước đô thị, trong đó có vấn đề xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước. 

Các chủ thể liên quan đến dịch vụ thoát nước

Liên quan đến dịch vụ thoát nước, nghị định này đã làm rõ vai trò của 3 chủ thể: 1) chính quyền đô thị, 2) đơn vị vận hành hệ thống thoát nước và 3) hộ xả thải. 
 
Trong đó, chính quyền đô thị là chủ sở hữu hệ thống thoát nước được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (điều 10), chủ sở hữu sau đó sẽ lựa chọn đơn vị thoát nước theo quy định pháp luật hiện hành về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (điều 17).
 
Đơn vị thoát nước hoạt động kinh doanh theo các quy định, được thanh toán đúng và đủ chi phí dịch vụ thoát nước theo hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đã ký kết (điều 18 Nghị định 80).
 
Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước được thanh toán từ nguồn thu tiền dịch vụ thoát nước, ngân sách hàng năm của chủ sở hữu công trình thoát nước và từ các nguồn khác (điều 19, mục 4 – Nghị định 80).
 
Các hộ xả thải - Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm thông qua giá dịch vụ thoát nước, và nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước (điều 3).
 
Hiện tại, ở các đô thị Việt Nam, khoản tiền đóng góp của hộ xả thải cho dịch vụ thoát nước được thực hiện thông qua hoặc là phí môi trường (theo NĐ 154/2016/NĐ-CP) hoặc là giá dịch vụ thoát nước (theo NĐ 80/2014/NĐ-CP). Theo quy định hiện hành, các hộ xả thải nộp giá dịch vụ thoát nước thì không phải nộp phí môi trường. 
 
Trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt giá dịch vụ thoát nước:
 
Như vậy, với tư cách là chủ sở hữu hệ thống thoát nước, chính quyền đô thị cần phải xác định chi phí vận hành hệ thống thoát nước mà mình sở hữu để làm căn cứ đấu thầu và xây dựng hợp đồng vận hành với đơn vị thoát nước, cũng như làm căn cứ xây dựng giá và lộ trình giá dịch vụ thoát nước. Tuy nhiên, khoản 1 điều 41 NĐ 80 quy định: "Đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ ngân sách nhà nước: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước, sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định”.
 
Như vậy, trách nhiệm xác định chi phí và xây dựng phương án giá theo NĐ 80 là của Sở Xây dựng, chứ không phải của chủ sở hữu cũng như của đơn vị vận hành hệ thống thoát nước.
 
Chi phí dịch vụ thoát nước: 

Liên quan đến xác định chi phí dịch vụ thoát nước, điều 36 NĐ 80 quy định: 
 
1. Chi phí dịch vụ thoát nước là cơ sở để định giá dịch vụ thoát nước và là căn cứ để xác định giá trị hợp đồng quản lý, vận hành được ký kết giữa đơn vị thoát nước và chủ sở hữu hệ thống thoát nước.
 
2. Chi phí dịch vụ thoát nước là các chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ cho một mét khối nước thải (1m3) để thực hiện các nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải tại khu vực được cung cấp dịch vụ bao gồm:
 
a) Chi phí vận hành, duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước;
b) Chi phí khấu hao xe, máy, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành;
c) Các chi phí, thuế và phí khác theo quy định của pháp luật.
 
Như vậy, để tính đúng tính đủ chi phí vận hành hệ thống thoát nước, có hai bước cần phải tiến hành như sau:
Bước 1: Xác định được đầy đủ khối lượng công việc liên quan đến vận hành hệ thống thoát nước
Để có thể xác định được đầy đủ khối lượng công việc, cần phải có đầy đủ dữ liệu về hiện trạng hệ thống thoát nước
Bước 2: Sau khi đã xác định được đầy đủ khối lượng công việc, dựa vào bộ định mức đơn giá để xác định tổng chi phí vận hành hệ thống thoát nước.

Như vậy, để xác định được tổng chi phí cần thiết phải có một bộ định mức, đơn giá đầy đủ cho tất cả các hoạt động liên quan đến quản lý vận hành hệ thống thoát nước. Ở bước này, để xác định chi phí và định giá giá dịch vụ thoát nước, chi phí cần được phân chia thành 2 nhóm như sau: 
 
Nhóm 1: Dự toán các phí liên quan đến vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát nước. Những chi phí này bao gồm:
a. Chi phí vật tư trực tiếp
b. Chi phí nhân công trực tiếp
c. Chi phí máy
d. Chi phí quản lý chung
 
Dự toán các chi phí nêu trên cũng là cơ sở cho việc ký hợp đồng quản lý vận hành. Việc phân chia chi phí thành 4 loại như trên cũng phù hợp với Thông tư số 06/2008/TT-BXD về hướng dẫn quản lý dịch vụ công ích của Bộ Xây dựng ngày 20 tháng 3 năm 2008 (xem bên dưới đây).
 
Nhóm 2: Chi phí khấu hao gắn với các Tài sản cố định được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách bao gồm khấu hao máy móc cơ điện điện tử của nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm, và khấu hao các công trình (Ví dụ: mạng lưới thoát nước….)
 
Thông tư 06/2008/TT-BXD và thông tư 14/2017/TT-BXD thay thế thông tư 06 về hướng dẫn quản lý dịch vụ công ích của Bộ Xây dựng
 
Thông tư 06/2008/TT-BXD về Hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị được ban hành vào ngày 20 tháng 3 năm 2008. Đối tượng áp dụng là các dịch vụ công ích đô thị trong đó có hoạt động nạo vét và duy trì hệ thống thoát nước. Theo thông tư này, dự toán dịch vụ công ích được bao gồm các loại chi phí sau:
- Chi phí vật liệu
- Chi phí nhân công
- Chi phí xe máy và thiết bị
- Chi phí quản lý chung: chi phí chung được xác định dựa vào chi phí nhân công trực tiếp và không được vượt quá 70%
- Lợi nhuận định mức
 
Thông tư 14/2017/TT-BXD: Ngày 28 tháng 12 năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 14/2017/TT-BXD thay thế thông tư 06/2008/TT-BXD. Điểm khác biệt quan trọng của thông tư 14 so với thông tư 06 đó là phạm vi điều chỉnh của thông tư 14 bao gồm các dịch vụ công ích đô thị nhưng không bao gồm dịch vụ thoát nước.
 
Thông tư 02/2015/TT-BXD hướng dẫn thực hiện nghị định 80 và thông tư 13 thay thế thông tư 02: Ngày 02 tháng 4 năm 2015, Bộ Xây dựng ban thành Thông tư số 02 về hướng dẫn định giá dịch vụ thoát nước. Mục 1, Điều 4 của thông tư 02 hướng dẫn tổng chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ thực hiện dịch vụ thoát nước được hướng dẫn tính toán như sau:
 
STT Nội dung chi phí Ký hiệu
1 Chi phí vật tư trực tiếp CVT
2 Chi phí nhân công trực tiếp CNC
3 Chi phí máy, thiết bị trực tiếp CM
4 Chi phí sản xuất chung CSXC
  Tổng chi phí sản xuất CP = CVT + CNC + CM + CSXC
5 Chi phí quản lý doanh nghiệp Cq
  Tổng chi phí CT= CP + Cq
 
Mặc dù là thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 80, nhưng nội dung của thông tư lại thiếu nhất quán với tinh thần NĐ 80 cũng như Thông tư số 06/2008/TT-BXD ban hành trước đó. Điều này thể hiện ở một số điểm sau:
 
Thứ nhất, NĐ 80 và thông tư 06 hướng dẫn cho chính quyền đô thị/ Sở Xây dựng cách xác định chi phí cần thiết liên quan đến vận hành hệ thống thoát nước do mình là chủ sở hữu làm căn cứ ký kết hợp đồng dịch vụ với các đơn vị được thuê vận hành hệ thống thoát nước cũng như làm căn cứ định giá dịch vụ thoát nước, thì về thực chất, thông tư 02 đang hướng dẫn các đơn vị vận hành hệ thống thoát nước xác định chi phí cụ thể phát sinh gắn với các đơn vị mình.  
 
Hệ thống thoát nước đô thị thuộc sở hữu của chính quyền đô thị. Thực tế, ở một đô thị có thể có nhiều hơn một đơn vị thoát nước mong muốn vận hành hệ thống thoát nước. Để đảm bảo chủ động và  khách quan,  với tư cách là người sở hữu hệ thống thoát nước, chính quyền đô thị/sở Xây dựng phải là chủ thể xác định chi phí dịch vụ thoát nước, xây dựng tổng dự toán làm căn cứ để đấu thầu và ký kết hợp đồng quản lý vận hành với các đơn vị thoát nước. Tổng Dự toán chi phí cũng là căn cứ để định giá dịch vụ thoát nước.
 
Thứ hai, với hướng dẫn cách tính chi phí như trên, các chi phí khấu hao thuộc máy móc thiết bị, công trình của hệ thống thoát nước chưa được đề cập đến. Vì vậy, chi phí chưa được tính đúng tính đủ làm cứ xác định giá dịch vụ thoát nước.
 
Thông tư 13/2018/TT-BXD về hướng dẫn định giá dịch vụ thoát nước thay thế thông tư 02:
 
Ngày 27 tháng 12 năm 2018, Bộ Xây dựng lại ban hành thông tư 13/2018/TT-BXD về hướng dẫn định giá dịch vụ thoát nước thay thế thông tư 02. Những tồn tại nêu trên của thông tư không những chưa được khắc phục mà còn nảy sinh thêm một vấn đề nữa liên quan đến cách xác định lượng nước thải.
Theo thông tư 13, đối với hệ thống thoát nước chung, tổng lượng nước thải thu gom và xử lý bao gồm nước thải từ các hộ xả thải và nước thải khác xả vào hệ thống thoát nước. Trong đó nước thải khác bao gồm nước mưa và nước thải khác. Việc quy định nước thải khác bao gồm cả nước mưa chắn chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc xác định giá thành dịch vụ thoát nước và lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước.
 
3. Thực trạng triển khai Nghị định 80 liên quan đến xác định chi phí và định giá dịch vụ thoát nước
 
Về việc thi hành NĐ 80 về xác định chi phí dịch vụ thoát nước và định giá dịch vụ thoát nước, có thể chia các tỉnh/thành trong cả nước thành hai nhóm: 
Nhóm 1: Các tỉnh vẫn áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường cho tất cả các hộ xả thải. 
Nhóm 2: Các tỉnh áp dụng song song cả phí môi trường và giá dịch vụ thoát nước, trong đó, phí môi trường áp dụng đối với đối tượng không đấu nối vào hệ thống thoát nước tập trung,  giá dịch vụ thoát nước áp dụng cho các hộ xả thải xả vào hệ thống thoát nước tập trung. 
 
Hệ thống thoát nước bao gồm rất nhiều hạng mục và tất cả các hạng mục đều cần được thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và bảo trì. Tổng kinh phí cần thiết cho các hoạt động này thường khá lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí cho vận hành dịch vụ thoát nước ở các đô thị vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ là chủ yếu. Khoản tiền đóng góp của người dân cho còn rất thấp. Phần lớn các đô thị hiện vẫn áp dụng phí bảo về môi trường đối với nước thái sinh hoạt. Phí môi trường được áp dụng với mức rất thấp (không vượt quá 10% giá nước sạch). Về con số tuyệt đối, mức phí môi trường giao động từ 500 - 600 đồng/m3 nước sạch. Tương ứng, doanh thu từ phí môi trường nhìn chung cũng rất thấp.
 
Cũng đã có một số đô thị hiện đã áp dụng giá dịch vụ thoát nước để huy động sự đóng góp của người sử dụng dịch vụ, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Mức giá dịch vụ thoát nước các đô thị đang áp dụng cho hộ gia đình cao hơn mức phí môi trường, và giao động từ khoảng 1.000 đồng – 2.600 đồng (ví dụ giá dịch vụ thoát nước ở đang áp dụng ở một số đô thị bảng bảng dưới đây). Giá dịch vụ thoát nước dù có cao hơn phí môi trường nhưng hiện vẫn thấp hơn mức giá thành khá nhiều. 
 
Do mức giá dịch vụ thoát nước cao hơn phí môi trường, nên doanh thu từ giá dịch vụ thoát nước cũng cao hơn doanh thu từ phí môi trường. Vì vậy, ở những tỉnh áp dụng giá dịch vụ thoát nước, nguồn kinh phí cho vận hành hệ thống thoát nước thường cao hơn ở những đô thị đang áp dụng phí bảo vệ môi. Tuy nhiên, có một điểm chung là lãnh đạo các đô thị chưa sẵn sàng phân bổ kinh phí bổ sung cho hoạt động thoát nước. Kinh phí cấp cho hoạt động thoát nước vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Ở nhiều tỉnh, kinh phí cho hoạt động thoát nước chỉ mới đáp ứng được từ 20 – 50% nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng áp dụng hợp đồng trọn gói vì với số kinh phí hạn chế, chủ sở hữu chỉ có thể thuê các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nạo vét bùn ở một số tuyến cống trọng yếu của đô thị, đối phó thụ động đối với tình trạng ngập úng, thiên tai, hệ thống thoát nước hầu như không được quản lý sửa chữa thay thế. 
 
Bảng 1: Giá dịch vụ thoát nước ở một số đô thị
 
 
STT Đối tượng   Mức thu dịch vụ thoát nước (đ/m3)
TP
Sơn La
TP
Bắc Ninh
TP
Vinh
TP
Sóc Trăng
1 Hộ gia đình, cá nhân 1000 1500 1200 2.600
2 Cơ quan hành chính, sự nghiệp 1000 1500 1600 2.600
3 Cơ sở kinh doanh, dịch vụ 1250 2300 3500 3.900
4 Cơ sở sản xuất 1500-1750 3000 2400 5.200
 

4. Những khó khăn trong việc xác định chi phí và ban hành giá dịch vụ thoát nước
 
Mặc dù, ích lợi của xác định chi phí dịch vụ thoát nước và ban hành giá dịch vụ thoát nước rất rõ ràng và NĐ 80 đã được ban hành từ năm 2015, nhưng đến nay số tỉnh thuộc nhóm 1 (chỉ áp dụng duy nhất phí bảo vệ môi trường) vẫn là phổ biến. Nhiều tỉnh vẫn chưa mặn mà với việc tính toán chi phí cũng như ban hành giá dịch vụ thoát nước. Có thể kể đến những nguyên nhân sau:
 
Thiếu dữ liệu liên quan đến hiện trạng hệ thống thoát nước
 
Để xác định đầy đủ chi phí vận hành hệ thống thoát nước, cần phải xác định được khối lượng công việc liên quan đến vận hành hệ thống thoát nước. Để làm được điều đó, cần phải có đầy đủ các thông tin về chi phí đầu tư và số lượng, cơ cấu và tình trạng của hệ thống thoát như chiều dài, đường kính cống thoát nước, số lượng và kích thước hố ga, nhà máy xử lý nước thải, trạm bơm v.v…
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100 phần trăm các chính quyền đô thị không có hồ sơ tài sản hệ thống thoát nước, họ không biết hệ thống thoát nước của họ có những gì và hiện trạng ra sao và giá trị đầu tư là bao nhiêu. Điều này gây trở ngại cho công tác quản lý tài sản, cho xác định khối lượng công việc, chi phí vận hành làm căn cứ cho định giá dịch vụ thoát nước.
 
Lý giải cho điều này, các chính quyền đô thị cho rằng hệ thống thoát nước của họ hình thành từ thời Pháp thuộc, trải qua nhiều thời kỳ, hệ thống thoát nước do nhiều chủ đầu tư tiến hành, nhưng không được bàn giao đầy đủ nên dữ liệu về hệ thống thoát nước thiếu rất nhiều, đặc biệt về mặt giá trị. 
 
Thiếu định mức công việc và đơn giá
 
Thiếu định mực công việc và đơn giá vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát nước cũng là trở ngại chính cho việc xác định chi phí dịch vụ thoát nước. 
 
Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 591/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 về định mức chi phí ước tính cho công tác vận hành bảo dưỡng hệ thống thoát nước, tuy nhiên còn nhiều thành phần của hệ thống thoát nước chưa được đề cập trong Quyết định này.  
 
Bộ định mức chi phí hiện tại do Bộ Xây dựng ban hành và được các địa phương cập nhật chủ yếu để hỗ trợ tính khối lượng công tác nạo vét bùn thải từ hệ thống thoát nước tại những khu vực cụ thể do chủ sở hữu đặt hàng. Định mức chi phí hiện tại không hỗ trợ việc tính toán chí phí hàng năm cho hợp đồng quản lý vận hành theo như yêu cầu trong Nghị định 80/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, bộ định mức hiện tại hoàn toàn thiếu các định mức như đối với nhà máy xử lý, trạm bơm, dẫn đến việc tính toán chi phí vận hành bảo dưỡng giữa các tỉnh/thành không nhất quán. Nếu không có những hướng dẫn cấp quốc gia thì các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương sẽ không sẵn sàng phê duyệt định mức chi phí theo điều kiện địa phương.
 
Đây là một vấn đề khó khăn cần được giải quyết. Các cơ quan hữu quan ở cấp tỉnh cho rằng việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức chi phí là điều cần thiết đối với việc tính toán chi phí vận hành bảo dưỡng thực tế hàng năm. Họ rất mong Bộ Xây dựng ban hành khung pháp lý/quản lý nhà nước để họ có thể tính toán chi phí vận hành bảo dưỡng thực tế hàng năm thuận lợi hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi chính quyền tỉnh/thành phố chờ đợi những tiêu chuẩn và định mức quốc gia từ Bộ Xây dựng, thì Bộ Xây dựng lại cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức chi phí bổ sung nên thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của UBND tỉnh/thành phố vì điều này sẽ giúp đảm bảo tính thực tế và phù hợp với điều kiện địa phương.
Thiếu và không nhất quán trong văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn thực hiện.
 
Như đã trình bày ở phần trên có sự thiếu nhất quán giữa thông tư 02, thông tư 13 với NĐ 80 và thông tư 06. Thông tư 02 và thông tư 13 thay thế thông tư 02 gắn với việc tính chi phí phát sinh ở một đơn vị thoát nước cụ thể, trong khi đó NĐ 80 yêu cầu chính quyền đô thị phải xác định chi phí làm căn cứ xây dựng hợp đồng với đơn vị thoát nước và định giá dịch vụ thoát nước. Điều này khiến cho công tác tính toán chi phí, thẩm định ở các tỉnh gặp nhiều khó khăn và kéo dài.
 
Một số tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ một số điểm trong quá trình thực hiện Thông tư 02. Ví dụ, Sở Xây dựng Thái Nguyên ban hành công văn số 1128 đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ cách xác định chi phí quản lý chung đối với dịch vụ công ích đô thị. Bộ Xây dựng phúc đáp bằng công văn số 2309/BXD-KTXD ngày 7 tháng 10 năm 2015 và hướng dẫn như sau: "Dự toán chi phí các dịch vụ công ích đô thị như nạo vét duy tu hệ thống thoát nước thì áp dụng Thông tư số 06/2008/TT-BXD”.
 
Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trên thông 06/2008/TT-BXD hiện đã được thay thế bằng thông tư 14/2017/TT-BXD, trong đó hoạt động thoát nước lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư mới này. Các tỉnh không biết chi phí chung được xác định như thế nào. Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho các tỉnh trong việc xác định chi phí cũng như xây dựng lộ trình giá.
 
Thiếu nhân lực và nhân lực không có đủ năng lực 
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều đơn vị quản lý thuộc thành phố, thị xã không đủ năng lực và nguồn nhân lực xác định chi phí cũng như xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước. Phần lớn cán bộ tham gia vào việc xác định chi phí cũng như xây dựng lộ trình giá theo kiểu kiêm nhiệm. Điều này khiến cho công tác này bị kéo dài.
 
5. Kết luận
 
Xác định chi phí dịch và ban hành lộ trình giá dịch vụ thoát nước là một xu hướng. Điều này giúp làm tăng nguồn thu cho hoạt động thoát nước, tăng chất lượng dịch vụ dịch vụ thoát nước, giảm trợ cấp của ngân sách nhà nước và nâng cao ý thức của người sử dụng nước. Mặc dù vậy, trong những năm qua, nhiều tỉnh vẫn chưa mặn mà với tiến trình này do nhiều nguyên nhân. Để thúc đẩy tiến trình này, chúng tôi có một số kiến nghị như sau. 

Đối với Bộ Xây dựng:

Bộ Xây dựng cần rà soát và bổ sung sửa đổi các văn bản pháp lý cho đầy đủ nhất quán. Cụ thể, Bộ Xây dựng cần rà soát và điều chỉnh TT 13/2017/TT-BXD theo hướng như NĐ 80/2014/NĐ-CP đã quy định về xác định chi phí và định giá dịch vụ thoát nước.

Bộ Xây dựng cần nghiên cứu ban hành đầy đủ và cập nhật bộ định mức công việc, đơn giá cho tất cả các hạng mục của hệ thống thoát nước làm cơ sở cho việc dự toán hoạt động hệ thống thoát nước, xác định chi phí và xây dựng lộ trình giá.

Đối với các chính quyền địa phương: Các chính quyền địa phương cần khảo sát xây dựng hồ sơ tài sản cho hệ thống thoát nước mà mình quản lý, cần chủ động hơn trong việc xác định chi phí và xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước.
 
TS. Tim McGrath, Cố vấn trưởng
TS. Lê Thị Bích Ngọc, Chuyên gia
Chương trình Thoát nước và Chống ngập úng Đô thị
Thích ứng với Biến đổi Khí hậu, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ
  •  
Các tin khác

Các quy định đối với việc triển khai chi trả DVHST tự nhiên tại Việt Nam cũng được nêu cụ thể tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.

Các rủi ro trong quá trình phát triển dự án metro không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ mà còn ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư và chi phí của dự án...

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng hội nhập, hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu khác nhau, mỗi phân khu đều có những đặc điểm và tiềm năng phát triển riêng biệt.