Chiếu sáng thông minh: Thành tố quan trọng trong đô thị thông minh

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/12/2022 | 3:58:06 Chiều

Trong tiến trình chuyển dịch sang đô thị thông minh (ĐTTM), chiếu sáng thông minh (CSTM) là yếu tố tác động đến tất cả các khía cạnh cốt lõi từ giao thông, môi trường đến kinh tế và đời sống.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng xây dựng ĐTTM dựa trên nền tảng Internet kết nối vạn vật thì CSTM là một thành tố quan trọng trong ĐTTM.
Chiếu sáng thông minh: Thành tố quan trọng trong đô thị thông minh
Ảnh minh họa.

Chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng cho ĐTTM

Theo các chuyên gia, CSTM cho thành phố bao gồm các thiết bị chiếu sáng phố phường, vỉa hè, lối đi cho người đi bộ, cầu đường, công viên và quảng trường. Các thiết bị chiếu sáng không chỉ ngày càng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng mà nay hệ thống chiếu sáng còn được tích hợp các công năng khác phục vụ cho các hoạt động của đô thị, tham gia vào sự phát triển của ĐTTM.

Việc sử dụng hệ thống CSTM không chỉ giảm lượng điện tiêu thụ, giảm tai nạn giao thông mà còn giảm tội phạm và nâng cao độ an toàn khu vực công cộng. Công nghệ thông thường được áp dụng trong hệ thống chiếu sáng công cộng của nước ta hiện nay không chỉ tiêu tốn nhiều năng lượng mà còn cung cấp độ sáng thấp và chi phí bảo trì cao. Việc tiết kiệm năng lượng tại các tuyến đường, tòa nhà, cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện sẽ giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường…

 

Trong khoảng trên 10 năm qua, chiếu sáng nói chung và chiếu sáng các đô thị ở Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những bảo đảm được yêu cầu về công năng chiếu sáng mà còn ngày càng bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam năm 2025 đề ra mục tiêu: phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị; từng bước hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng chiếu sáng đô thị; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới, tái tạo trong chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện năng, góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo dựng hình ảnh đô thị Việt Nam có bản sắc, văn minh hiện đại.

Trong đó, mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 là tiếp tục nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị đảm bảo 100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; trong đó phấn đấu từ 30 - 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn. Chiếu sáng các công trình giao thông. Xây dựng các trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng cho các đô thị loại III và loại IV. Hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị.

 

Ông Vũ Quang Đăng - tư vấn dự án của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, chiếu sáng đường phố bằng đèn LED có lợi thế hơn so với đèn truyền thống. Các đô thị trên toàn cầu đã thực hiện các dự án lắp đặt đèn LED với cột thông minh làm nền tảng, theo đó các dịch vụ như cảm biến và camera, giám sát môi trường, tối ưu hóa giao thông, bãi đậu xe thông minh, Wifi công cộng, điểm sạc xe điện và an toàn công cộng thông qua các cột thông minh. Chi phí cột thông minh gấp 4 - 5 lần cột thông thường tùy thuộc các tính năng thông minh được bổ sung trong đó…

Tăng cường quản lý chiếu sáng ĐTTM

Ngày 12/11/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1453/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường quản lý chiếu sáng ĐTTM và hiệu quả tại Việt Nam, đến nay cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và thu nhận được một số kết quả nhất định.

 

Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cấp cao, Ban năng lượng Đông Nam Á, Ngân hàng ADB cho biết: Dự án chiếu sáng thông minh và hiệu quả tại Việt Nam (SELP) nhằm mục đích giúp các thành phố và tỉnh của Việt Nam đạt được các mục tiêu trong xây dựng phát triển bền vững đô thị Việt Nam (Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) 3 và các sáng kiến về thành phố xanh/thông minh.

Theo đó, ADB đã hợp tác với Bộ Xây dựng của Việt Nam, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật số TA9600 của ADB: Hỗ trợ năng lực, lập kế hoạch đầu tư và phát triển ngành năng lượng Đông Nam Á. Dự án SELP đã triển khai tại 6 tỉnh, thành của Việt Nam: Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Lâm Đồng đã huy động được sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của hội, các doanh nghiệp ngành chiếu sáng Việt Nam như Điện Quang, Rạng Đông,…

ADB tính toán đối với các dự án cải tạo đèn đường chi phí thiết bị chiếm 65 - 75% tổng chi phí dự án, 25 - 35% còn lại là chi phí mềm, bao gồm chi phí kiểm toán năng lượng, phí tư vấn và phí quản lý dự án.

Hội An là thành phố tại Việt Nam thực hiện thí điểm chiếu sáng đô thị thông minh, kết quả tổng lượng phát thải giảm được 64,9% mỗi năm. Thời gian thu hồi vốn từ 4 - 5 năm.

Trước thực tế và nhu cầu về chiếu sáng đô thị thông minh, các chuyên gia cho rằng, chiếu sáng là một phần không thể tách rời của cơ sở hạ tầng đô thị. Ở đây, cần giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu về tiết kiệm năng lượng và chất lượng chiếu sáng. Chiếu sáng tốt có lợi cho người dân cũng giống như giao thông đô thị tốt. Các thành phố cần coi chiến lược chiếu sáng như một phần của chiến lược phát triển đô thị tổng thể.

Bên cạnh đó, cần ban hành và xây dựng một số quy chế huy động nguồn vốn xây dựng đầu tư từ Nhân dân, dùng hiệu quả nguồn vốn nước goài dành cho tăng trưởng đô thị; đầu tư dây chuyền tiên tiến nhằm cho ra vài sản phẩm chất lượng tốt hiệu quả cao, tiết kiệm điện, loại mã đẹp và đa dạng để phục vụ mong muốn trong nước cũng như có khả năng xuất khẩu; đầu tư đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, áp dụng một vài tiến bộ để tiên tiến hóa công nghệ cung cấp ánh sáng đô thị…


Linh Đan



Nguồn Báo Xây dựng

  •  
Các tin khác

Sử dụng cốt liệu tái chế từ chất thải phá dỡ công trình xây dựng có thể bảo tồn tài nguyên cốt liệu tự nhiên, giảm nhu cầu chôn lấp và góp phần xây dựng môi trường xây dựng bền vững.

Ngày nay, việc tuần hoàn và tái sử dụng nước thải công nghiệp ở Việt Nam đã trở thành ưu tiên được quan tâm và triển khai rộng rãi, hướng đến mục tiêu vào năm 2035, ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 13-2024.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 11-2024.